“Con át chủ bài” VAMC và nỗi ám ảnh nợ xấu
(Dân trí) - Tuy điều lệ của VAMC đã nêu rõ cũng như có nhiều phát biểu của cơ quan chức năng lẫn chuyên gia, nhưng việc VAMC "lấy tiền đâu xử lý nợ xấu" và "nợ xấu sẽ đi đâu, về đâu" vẫn là câu hỏi mà giới quan sát chưa được thoả mãn.
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm 2012 và nửa đầu năm 2013 đầy sóng gió, với tỷ lệ nợ xấu tăng cao kìm hãm tăng trưởng tín dụng. Trước tình hình này, NHNN đã thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC).
Theo kế hoạch, VAMC chính thức đi vào hoạt động vào 9/7 sau nhiều ngóng đợi của thị trường cũng như sự “nâng lên đặt xuống” của cơ quan điều hành. Đến 26/7 vừa rồi, công ty được khai trương.
Sự thành lập của VAMC là rất quan trọng, bởi đây là tín hiệu thông báo rằng Chính phủ cuối cùng cũng đã rất nghiêm túc trong việc giải quyết những vấn đề của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó nó mang sức mạnh rất lớn trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu và khôi phục lại tăng trưởng tín dụng.
Nhiều chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như World Bank, JP. Morgan, ANZ, HSBC… đều cho rằng sự thành lập VAMC là một bước tiến tích cực để khôi phục lại nền kinh tế.
Nhiều ngân hàng báo cáo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% - dưới ngưỡng buộc phải bán nợ cho VAMC, đặt ra vấn đề: Có những tổ chức dụng cố tình che giấu nợ xấu.
Xu hướng AMC trên thế giới
Trong một báo cáo chuyên đề về VAMC, JP.Morgan nhìn nhận, lịch sử đã chứng kiến nhiều cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sự phản ứng đối với những hiện tượng này là rất đa dạng, tất nhiên sẽ có một số nước thành công hơn nước khác trong việc giảm nhẹ chi phí tái thiết và khôi phục lại đà tăng trưởng rất nhanh.
Mô hình của Thuỵ Điển được xem là một ví dụ điển hình thành công nhất. Tuy nhiên các nền kinh tế Châu Á cũng có một vài mô hình để học hỏi.
Mấu chốt thành công của AMC và kế hoạch điều chỉnh cơ cấu vốn hệ thống ngân hàng phụ thuộc vào tài năng lãnh đạo, sự minh bạch, sự độc lập và sự hỗ trợ về khung pháp lý và môi trường quản lý.
Theo quan điểm của JP Morgan, kế hoạch của VAMC là cung cấp thanh khoản cho ngân hàng trong khi bản thân các ngân hàng phải tái cấu trúc vốn trong vòng 5 năm tới. Theo một cách khác, sẽ không có một nguồn vốn mới nào sẽ được đổ vào hệ thống ngân hàng.
Ưu điểm của kế hoạch này là những rủi ro sẽ được giảm thiểu và nợ công chính phủ sẽ không tăng. Nhưng nhược điểm là ngay cả khi kế hoạch thành công mỹ mãn, thì nó cần vài năm để có thể phát huy tác dụng. Như vậy tăng trưởng kinh tế và tín dụng trong mấy năm tới sẽ có khả năng tiếp tục ở mức thấp.
Không mô hình AMC chung nào có thể áp dụng một cách toàn cầu hoá. Tuy vậy, Việt Nam có thể học hỏi được rất nhiều từ những cuộc khủng hoảng ngân hàng trước đây và từ đó đúc rút ra những biện pháp hữu hiệu nhất.
Đông Á có một vài mô hình đề học tập kể từ khi rất nhiều nước thành lập các Công ty quản lý vốn AMC trong suốt cuộc Khủng hoảng Tài chính châu Á (AFC). JP Morgan cho rằng, một sự xem xét đối với những nước bị tổn hại nặng nhất có thể mang lại những quy tắc tối ưu nhất mà chi phí bỏ ra là thấp nhất.
Nợ xấu ở Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đạt đỉnh ở mức tương tự nhau. Tuy nhiên, chi phí tài chính cho những cuộc khủng hoảng này lại có sự thay đổi lớn giữa các nước, từ 57% đối với Indonesia tới 31% đối với Hàn Quốc.
Việc quản lý AMC có thể không phải là nhân tố quan trọng nhất, nhưng Hàn Quốc hầu như là nước điển hình nhất đã thực hiện những biện pháp tối ưu nhằm giảm tối đa những hậu quả để lại.
Theo JP.Morgan, may mắn cho Việt Nam là tuy tỷ lệ nợ xấu có lên tới 20% thì vẫn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh của các quốc gia châu Á khác. Với tỷ lệ tín dụng trên GDP là 105%, tổng chi phí tài chính sẽ không vượt quá 20% khi mà Chính phủ trực tiếp tái cấu trúc vốn hệ thống ngân hàng. Ngay cả khi tỷ lệ nợ xấu có thể cao hơn nữa, 30% nợ xấu đi kèm với mức thu hồi lại là 20% thì vẫn chỉ làm tăng nhẹ chi phí tài chính từ 20% lên 25% GDP.
Trong buổi gặp mặt báo chí gần đây, chuyên gia World Bank cũng nhìn nhận, AMC không phải là phương án duy nhất để Việt Nam xử lý nợ xấu, song cũng không có phương án nào ưu việt hơn AMC. Bên cạnh đó, World Bank khuyến nghị, Việt Nam cần củng cố khung pháp lý và giám sát chặt chẽ hơn hệ thống ngân hàng để tạo điều kiện cho AMC phát huy hiệu quả.
Những rủi ro tiềm tàng với VAMC
VAMC là một công ty hoàn toàn do Nhà nước sở hữu, được giám sát và hoạt động dưới sự điều hành của NHNN. VAMC được cấp vốn là xấp xỉ 24 triệu USD tương đương với 0,02% GDP duy trì hoạt động hàng ngày.
Khác với những Công ty quản lý vốn ở các nước châu Á khác, Công ty quản lý vốn của Việt Nam sẽ không huy động nguồn vốn từ thị trường để tái cấu trúc lại ngân hàng. Thay vào đó, VAMC kế hoạch sẽ ban hành một trái phiếu đặc biệt với lãi suất là 0% cho những ngân hàng mang nợ xấu tại giá trị sổ sách.
Giá trị của trái phiếu đặc biệt này sẽ giảm dần tới 0 trong vòng 5 năm (20% mỗi năm). Bù lại, các ngân hàng sẽ phải bắt buộc dự trữ một khoản tương đương với giá trị trái phiếu này trong cân đối kế toán (20% giá trị nợ xấu sổ sách hàng năm). Để giải quyết sự khó khăn thanh khoản của các ngân hàng mua cổ phiếu, những ngân hàng này sẽ có thể trao đổi cổ phiếu với NHNN. Trong vòng 5 năm, VAMC sẽ bán nợ xấu cho những nhà đầu tư.
Những khoản đầu tư nước ngoài vào ngân hàng sẽ được giữ ở mức 30%, không một nhà đầu tư riêng lẻ nào có thể sở hữu 20%. Ngăn chặn các khoản đầu tư nước ngoài có thể làm giảm mối quan tâm từ các nước khác khi mà hệ thống ngân hàng đang cần những nguồn vốn mới nhất. Thêm vào đó NHNN trì hoãn việc sửa đổi chấn chỉnh tiêu chuẩn phân loại vốn và các khoản cho vay rủi ro cao tới 1/6/2014 làm gia tăng thêm rủi ro về sự sụt giảm chất lượng vốn trong thời gian tới – theo nhận định JP Morgan.
Nhìn chung, tuy điều lệ của VAMC đã nêu rõ cũng như có nhiều phát biểu của cơ quan chức năng lẫn chuyên gia trong ban soạn thảo về vấn đề này nhưng việc VAMC "lấy tiền đâu xử lý nợ xấu" và "nợ xấu sẽ đi đâu, về đâu" vẫn là câu hỏi mà giới quan sát chưa được thoả mãn.
Reuters tại bài viết đăng ngày 26/7 dẫn nhận định của nguyên Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Oánh, rằng "VAMC là một công ty kỳ lạ. Nếu VAMC mua nợ xấu, vậy tiền sẽ đến từ đâu?".
Trong khi đó, dẫn nguồn từ NHNN, các chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, chỉ có 30 trong số 124 tổ chức tín dụng báo cáo tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% (bằng hoặc cao hơn 3% là ngưỡng mà các TCTD sẽ phải bán nợ xấu cho VAMC cho đến khi tỷ lệ này giảm về mức an toàn.
Giữa bối cảnh các ngân hàng “chạy đua” báo cáo nợ xấu với số liệu thấp nhằm che giấu nợ và không muốn bán nợ cho VAMC, nhiều nhà phân tích bày tỏ quan ngại “VAMC dễ thất nghiệp”.
Trong khi đó, đại diện NHNN lại bày tỏ niềm tin rằng, có những ngân hàng đang hoạt động bình thường, họ có thể làm cho nợ xấu của mình xuống dưới 3% nhưng với cơ chế mua bán nợ của VAMC, họ sẽ đẩy lên trên 3% để bán ngay vì có giữ lại nợ xấu cũng không lợi lộc gì. Còn với những trường hợp cố tình che giấu nợ, Nghị định 53 cho phép NHNN sử dụng các biện pháp nghiêm khắc, yêu cầu họ bán nợ để giữ an toàn hệ thống.
Năm 2013, NHNN dự kiến VAMC sẽ xử lý khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng nợ xấu (khoảng 4-5 tỷ USD tương đương với 60-70% tổng nợ xấu) với tỷ lệ thu hồi ước đạt 20-40%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại mục tiêu này là quá cao mặc dù, cơ quan quản lý tin rằng, mục tiêu này là có cơ sở.
Những nhân tố thành công của một mô hình AMC điển hình Quỹ tiền tệ thế giới IMF đã thống kế được 147 cuộc khủng hoảng ngân hàng xảy ra trên thế giới kể từ năm 1970 tới 2011. Sự phản ứng đối với khủng hoảng là rất đa dạng và không có một mô hình AMC chung nào có thể phù hợp với tất cả các nước. Tuy nhiên những bước đi của Thuỵ Điển được xem là một điển hình. Lãnh đạo hiệu quả: Sự nhất trí về mặt chính trị là rất cần thiết để vạch ra một đường lối hiệu quả giải quyết vấn đề. Điều đó có nghĩa là phải cấp một lượng vốn cần thiết cho AMC hoạt động và rõ ràng trong việc thông báo hiệu quả giải quyết nợ xấu. Lãnh đạo tốt còn mang lại cơ sở để thiết lập những nhân tố quan trọng khác được liệt kê dưới đây. Minh bạch: Công bố mục tiêu, tình hình hoạt động và hiệu quả của AMC một cách rõ ràng. Tỷ lệ hoàn thành mục tiêu là bao nhiêu, phải được công bố nhằm thúc đẩy lượng nợ xấu được bán ra. Độc lập: việc thiết lập một thực thể độc lập là cần thiết, nhưng AMC ít nhất cần phải được vận hành khác với sự hoạt động của chính phủ. Độc lập khỏi những áp lực chính trị tạo nên sự tin tưởng và giúp nâng cao tính minh bạch và tin cậy. Sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật, giám sát: Việc thống nhất tiêu chuẩn phân loại vốn cho vay, cải thiện hệ thống giám sát là cực kỳ cần thiết. Cởi mở đối với dòng vốn từ nước ngoài, nâng cao cơ sở hạ tầng mang lại nhiều lợi ích. |
Bích Diệp