Cơm xe ôm 15.000 đồng/suất: Ship tận tay, ăn ngay vỉa hè
Không hàng quán, không thuê nhân công, rao bán ngay trên facebook và ship cơm miễn phí bằng xe đạp điện trên nhiều tuyến phố, đó là “gánh cơm Grab 15.000 đồng” hết sức giản dị của cô gái sinh năm 1988 Nguyễn Thị Diệu Linh.
Dựng chân chống chiếc xe đạp điện cũ màu đỏ, chỉ vào chiếc thùng nhựa trống trơn phía sau, chị Linh cười tươi rói, khoe: “10h sáng đi từ Tân Xuân sang Xuân Đỉnh, Hoàng Quốc Việt rồi đến Duy Tân, chưa kịp cảm nhận sức nặng của thùng cơm thì đã bán hết veo rồi”.
Chị Linh đang nói đến những suất cơm giá 15.000 đồng dành cho đối tượng khách hàng đặc biệt: tài xế xe ôm công nghệ Grabbike.
Vốn theo học chuyên ngành Kế toán trường Cao đẳng du lịch, sau khi tốt nghiệp, chị Linh về làm thu ngân cho một nhà hàng nhỏ thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Thời gian đầu, chị làm khá được việc nên chủ nhà hàng tin tưởng, cất nhắc lên làm kế toán quản lý chung. Một lần, chị phát hiện nhà bếp sử dụng đồ ăn lãng phí nên đã nhắc nhở, báo lại với ông chủ. Không ngờ sau hôm ấy, chẳng hiểu có sự hiểu nhầm gì, chị bị yêu cầu nghỉ việc. “Khi đó, tôi bị sốc và khóc rất nhiều vì không hiểu lý do”, chị kể.
Không muốn tiếp tục làm thuê cho người khác, chị nghỉ ở nhà, tự mày mò buôn bán, bươn chải cuộc sống.
Đến đầu tháng 8 vừa rồi, vào dịp sinh nhật, chị quyết định làm một việc ý nghĩa, đó là dành tiền mua tặng 108 chiếc kính tặng cho 108 xe ôm Grab qua một trò chơi nhỏ trên facebook. Chứng kiến người nhận quà cảm động dù giá trị của món quà rất nhỏ, chị nảy ra ý định làm gì đó hỗ trợ người lao động khó khăn.
“Trong lúc đang mông lung, tôi tình cờ đọc được bài báo về quán cơm từ thiện 2.000 đồng trong TP.HCM. Với khả năng cũng như kinh nghiệm có sẵn, tôi tin là mình có thể làm được như thế”. Đối tượng chị Linh nhắm đến khi ấy là những người bán đồng nát, ve chai, thợ phụ hồ,... Điều bất lợi là những người này không dùng facebook, hoặc khó tìm cách liên hệ, tính sao đây?
Suy đi tính lại, chị nảy ra ý tưởng mở dịch vụ “cơm Grab 15K”, tức cơm suất giá 15.000 đồng dành cho đối tượng xe ôm Grab vì theo chị, những người làm nghề này thường là sinh viên hoặc người lao động có thu nhập thấp, luôn muốn tiết kiệm ngay cả bữa ăn của mình.
Phương tiện đi ship cơm của chị Linh với phí ship luôn luôn là 0 đồng
Muốn suất cơm ngon lành, đầy đặn lại phù hợp mức giá 15.000 đồng, chị mua đồ về làm thử, tính toán rồi bày ra 5-6 đĩa, đưa lên Facebook tham khảo ý kiến. Đa số mọi người hưởng ứng. Có người còn chia sẻ hình ảnh suất cơm bụi 35.000 đồng cũng chỉ ngang suất cơm của chị. Những lời động viên càng khuyến khích chị thực hiện kế hoạch.
“Hai ngày đầu, tôi giấu mẹ mang nồi cơm sang nhà người bác gần đó, nói có công ty đặt hàng. Nhưng vì chỉ có 2 nồi trong khi lượng cơm cần nhiều hơn, cơm bị nát, sống, tôi đành thú thật với mẹ”. Không ngờ, khi biết chuyện con gái định làm, mẹ chị lẳng lặng cho mượn thêm 2 nồi cơm nữa và đồng hành cùng con.
Từ đó, mỗi sáng, chị Linh nhờ mẹ đi chợ từ sớm, chọn mua những nguyên liệu tươi ngon. Gạo để nấu là loại gạo dẻo nhà chị đang ăn. Mẹ chị sẽ nhóm giúp bếp than tổ ong, nấu cơm, đặt một nồi nước sôi trong khi chị nhặt rửa rau, sơ chế đồ mặn. Món đầu tiên nấu bao giờ cũng là canh, để khi món chính xong xuôi cũng là lúc canh vừa đủ nguội để cho vào hộp.
“Lúc mới làm, phần lớn anh em đều ủng hộ, vì bữa trưa mọi người thường ăn ở ngoài giá cũng 25.000-30.000 đồng/suất, bát bún, bát phở giá cũng tương đương. Nếu ăn suất cơm 15.000 đồng thì tiết kiệm được rất nhiều”.
Tuy nhiên, bên cạnh những lời động viên, một số người lại tỏ ý lo ngại, cho rằng cơm chị bán chắc toàn đồ thiu thừa, ôi thối nên giá mới rẻ vậy. Có người nói trong Nam bán có 2.000 đồng/suất từ thiện, chị bán 15.000 đồng vẫn quá lãi.
Mỗi suất cơm của chị Linh thường gồm 1 lạng thịt/cá, 2 chén cơm đầy, rau và thêm món phụ như lạc rang, đậu rán. Với lượng cơm và thức ăn này, người ăn khỏe cũng thấy vừa vặn, đủ no, còn người bình thường có thể dư cơm.
Nhưng, điều đó không làm Linh nản lòng. Chị luôn khẳng định, cơm mình bán không phải là cơm từ thiện. “Tôi làm để hỗ trợ anh em tài xế, mỗi ngày chỉ bán vài chục suất. Ngoài mẹ giúp, tôi thực hiện hết các công đoạn từ a-z, đến ship cơm cũng miễn phí nên coi như làm không có lãi, chỉ tính sao để không bị lỗ”.
Cơm bán ra thế nào, nhà chị ăn thế đó. Sở dĩ có giá rẻ vì đây là “cơm rong vỉa hè”, không hàng quán, không mất tiền mặt bằng. Khoảng 10h sáng, đóng gói xong xuôi, chị chụp ảnh hộp cơm kèm số điện thoại đưa lên facebook, bắt đầu “gánh cơm rong” của mình. Dọc theo cung đường đã thông báo từ trước, tài xế nào ở đó, chị cần alo hẹn gặp là có thể mua được suất cơm ngon lành chỉ với 15.000 đồng.
Để có thêm thu nhập, ngoài bán cơm chỉ hết nửa ngày, chiều tối chị đi giao thêm đồ. Không muốn người khác hiểu nhầm về việc bán cơm 15K là chiêu trò “câu like”, chị ngừng bán các mặt hàng khác trên facebook.
Nhiều tài xế tỏ ra hứng thú với những hộp cơm 15.000 đồng của chị Linh
Anh Đỗ Duy Đạt, một khách quen của gánh cơm 15 ngàn đồng, vui vẻ cho hay: “Săn cơm của Linh như săn cơm khuyến mại nhưng tuần nào tôi cũng phải ăn ít nhất 4 ngày. So với cơm bụi ngoài kia, cơm Grab của Linh khá ngon và đầy đặn, ăn xong đủ sức cho chạy xe đến chiều tối”.
Phần lớn người ăn cơm 15 ngàn đồng đều ủng hộ, ai không mua được cũng nhắn tin cảm ơn, khích lệ.
Với tay nhặt những hộp cơm trên vỉa hè bỏ vào thùng rác, chị Linh tâm sự, điều chị lo lắng là không biết sẽ duy trì “gánh cơm Grab” được bao lâu.
“Tôi muốn mở rộng mô hình của mình nhưng sức người có hạn, làm không xuể. Buồn hơn là vào những ngày mưa gió, tôi có thể đội mưa đi ship cơm nhưng tài xế xe ôm lại không có chỗ ngồi ăn tử tế, chỉ có thể trú dưới gầm cầu, hiên nhà. Giá mà có ai cho thuê đỡ mảnh sân trong 1-2 tiếng buổi trưa thì tốt biết mấy”.
Hơn nữa, từ ngày bán cơm Grab, chị đã hủy kết bạn với hầu hết người quen trên facebook vì không muốn đọc lời đàm tiếu, hoài nghi. “Người ngoài luôn nghĩ đã kinh doanh thì phải có lợi nhuận, ít ai hiểu được hành động của tôi. Có người còn nói tôi bị 'hâm, dở, thừa thời gian', tôi không muốn những lời đó ảnh hưởng đến tâm trạng của mình”, chị nói.
Theo: Minh Hiên
Vietnamnet