Có "xảy" xin - cho khi hỗ trợ lãi suất?

(Dân trí) - Một số chuyên gia lo ngại chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sẽ dẫn tới cơ chế xin - cho. Hiện đã có khoảng 500.000 tỷ đồng vốn vay được các ngân hàng công bố dành cho doanh nghiệp vay trong diện hỗ trợ 4% lãi suất.

Có "xảy" xin - cho khi hỗ trợ lãi suất? - 1
(ảnh minh họa).
 
Sau khi Ngân hàng Nhà Nước ban hành Thông tư 02 hướng dẫn về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Đến thời điểm này, số vốn giải ngân theo diện bù lãi suất mà các ngân hàng công bố lên tới khoảng 500.000 tỷ đồng.
 
Tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước, Vietinbank công bố sẽ giải ngân 100.000 tỷ đồng theo diện bù lãi suất; BIDV khoảng 65.000 tỷ đồng - 70.000 tỷ đồng; theo thông tin chưa chính thức, Agribank khoảng 130.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cổ phần như VIB Bank, ACB, Techcombank... cũng công bố sẽ dành khoảng 25.000 tỷ đồng - 50.000 tỷ đồng để cho vay có hỗ trợ lãi suất.
 
Hiện tại, vẫn còn nhiều ngân hàng đang trong quá trình triển khai và tính toán số vốn để giải ngân. Theo tính toán sơ bộ, trong năm 2009, sẽ có hơn 600.000 tỷ đồng tiền vốn mà các ngân hàng cho doanh nghiệp vay được hỗ trợ 4% lãi suất trong thời gian từ 1/2 đến 31/12/2009. Dự kiến khoản tiền này bằng gần một nửa tổng nhu cầu vốn vay của nền kinh tế.
 
Theo Thông tư 02 do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 3/2, các ngân hàng không được từ chối hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay thuộc đối tượng hỗ trợ. Ngược lại, đối tượng vay vốn, nếu sử dụng vốn vay không đúng mục đích được coi là vi phạm hợp đồng, sẽ không được hỗ trợ lãi suất, bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải hoàn trả cho ngân hàng thương mại số lãi tiền vay được hỗ trợ trước đó.
 
Một số chuyên gia cho hay, điều này có thể dẫn tới tình trạng xin - cho trong chính sách cho vay vốn được Chính phủ hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Thậm chí, ngân hàng có thể từ chối cho doanh nghiệp vay tiền, thông qua việc xét duyệt các tiêu chí cho vay.
 
Về vấn đề này, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank cho rằng khó xảy ra tiêu cực. Hiện tại, ngân hàng đang triển khai thực hiện việc hỗ trợ lãi suất, yêu cầu các cán bộ chủ chốt, giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch của Vietinbank trên toàn quốc không được từ chối bất cứ trường hợp nào.
 
“Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ bên dưới thường xuyên kiểm soát chéo tất cả các hoạt động cũng như xử lý hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, bất kể các trường hợp nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm túc”, lãnh đạo Vietinbank nhấn mạnh.
 
Tuy nhiên, ông Phạm Huy Hùng cũng khẳng định ngân hàng khó nhận biết việc đảo nợ.
 
Ông Hùng nói: “Đơn giản thế này thôi, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hiện đang vay vốn ở Vietinbank hay khách hàng mới cũng vậy, họ có phương án sản xuất kinh doanh, họ trình đầy đủ các hồ sơ thủ tục, ngân hàng thẩm định thấy đúng thực sự yêu cầu của họ như vậy thì tôi cho rằng việc hỗ trợ lãi suất này hoàn toàn chính đáng.
 
Kể cả họ đang sản xuất, họ trả nợ rồi và muốn vay tiếp, mình phải xem xét cho vay. Kể cả đảo nợ, giúp cho doanh nghiệp vẫn hết sức đúng đắn. Bởi hỗ trợ lãi suất mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Họ đang vay 8,5%/năm và phải trả 8,5%/năm sẽ khó, nay giảm đuợc 4%, chi phí, giá thành giảm sẽ có điều kiện ổn định, tiêu thụ sản phẩm tốt, người lao động mới ổn định được việc làm. Tất cả cái đó đều liên quan cả nên việc đảo nợ, tôi cho là không nên hiểu một cách cứng nhắc”.
 
Cùng với những lo lắng các chi nhánh, phòng giao dịch có thể xảy ra trường hợp trục lợi, không công bằng giữa các đối tượng được vay vốn kích cầu, OceanBank đang khẩn trương thực hiện các công việc triển khai thực hiện Quyết định 14 (Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại) và 131 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ngân hàng này đã thành lập bộ phận công tác chuyên trách tổ chức thực hiện quyết định này có tên: Ban thực hiện chính sách Hỗ trợ lãi suất và Bảo lãnh tín dụng, với nhiệm vụ trọng tâm là lên kế hoạch về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất và hợp tác với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) về việc bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng.
 
OceanBank cũng đưa ra giải pháp để tránh các rủi ro từ việc hỗ trợ không đúng qui định. Trước mắt, OceanBank sẽ tập hợp danh mục khách hàng từ các chi nhánh để lên kế hoạch giải giân, đồng thời bám sát tình hình thực tế để triển khai thực hiện các Quyết định, Thông tư… một cách nghiêm túc, hiệu quả và đúng đối tượng.
 
Lãi suất cho vay áp dụng tại OceanBank tối đa là 6,5%/năm (sau khi đã trừ mức hỗ trợ 4%/năm) và có thể điều chỉnh theo các thay đổi về lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
 
Ông Vũ Tú, Phó Tổng Giám đốc thường trực OceanBank cho hay: Quyết định 14 (Quy chế Bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại) và 131 của Thủ tướng Chính phủ là điểm tựa cho doanh nghiệp và là đòn bẩy cho ngân hàng lẫn doanh nghiệp trong giai đọan hiện nay. Khó khăn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng là tài sản đảm bảo.
 
“Quyết định 14 của Thủ tướng đã góp phần giải quyết điểm mấu chốt này, thông qua đó, thực hiện chính sách kích cầu đầu tư của Chính phủ, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn ngân hàng, góp phần tháo gỡ khó khăn tạm thời về tài chính”, ông Vũ Tú bày tỏ.
 
Nguyễn Hiền