Xúc tiến thương mại đầu tư:

Có thương hiệu mạnh là có khách hàng

Theo kết quả nghiên cứu của Tập đoàn đa quốc gia Millward Brown và Công ty Nghiên cứu thị trường Custumer Insights vừa công bố, trong 10 thương hiệu thành công nhất ở Việt Nam, chỉ có Kinh Đô là thương hiệu Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách này.

Kết quả này được nghiên cứu khảo sát trên 4.000 người tiêu dùng ở Hà Nội và TPHCM. 10 thương hiệu để lại ấn tượng cho số đông người tiêu dùng Việt Nam gồm có Nokia, Dutch Lady, Panadol, Coca-cola, Prudential, Cool Air, Kinh Đô, Alpenliebe, Doublemint và Sony.

 

Kết quả đó chưa hẳn chính xác, nhưng cũng đánh giá phần nào sự thành công của những thương hiệu này tại thị trường Việt Nam.

 

“Nếu công ty bị chia cắt, tôi sẽ giao cho bạn tài sản, nhà máy, thiết bị, tôi chỉ giữ lại thương hiệu và nhãn hiệu. Tôi sẽ kinh doanh tốt hơn bạn”. Giám đốc Công ty Quaker, một trong những nhà sản xuất sản phẩm ngũ cốc lớn nhất thế giới, đã lựa chọn như thế. Điều này cho chúng ta thấy được, giá trị của thương hiệu là rất lớn.

 

Hai chữ “thương hiệu” không còn mới mẻ với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, phần lớn các DN đã nhận thức về việc cần phải xây dựng thương hiệu và vấn đề quan trọng còn lại chính là việc thực hiện nó như thế nào.

 

Với “tỉ lệ” 1/9 ở trên, chưa nói đến vấn đề xuất khẩu, ngay cả thị trường trong nước, sản phẩm của DN Việt Nam như đã bị thua trên sân nhà.

 

Chúng ta không thể cạnh tranh nếu như vẫn sản xuất những sản phẩm đại trà mà không có thương hiệu. Khi Việt Nam vào WTO, áp lực cạnh tranh sẽ gay gắt hơn, bắt buộc các DN trong nước phải tạo dựng được một thương hiệu mạnh mới đủ sức cạnh tranh.

 

Xây dựng một hình ảnh thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích không phải là điều dễ dàng, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không chỉ chất lượng cao mà sản phẩm cũng phải tạo được ấn tượng đẹp trước người tiêu dùng.

 

Theo nghiên cứu, cảm xúc chiếm hơn 90% trong hầu hết những quyết định mua hàng. Do vậy, các yếu tố truyền thông marketing như bao bì, mẫu mã, màu sắc, hình vẽ, kiểu chữ cũng giữ vai trò quan trọng trong việc thu hút sự lựa chọn của người mua.

 

Trao đổi với các DN ngành dệt may tại TPHCM, ông Richard Moore, Giám đốc Điều hành sáng tạo của Công ty Richard Moore Associates, một công ty chuyên về bản sắc thương hiệu, đã nhận xét đến nay vẫn còn nhiều DN Việt Nam chưa quan tâm, xây dựng bản sắc thương hiệu như là một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

 

Với các sản phẩm xuất khẩu, bên cạnh các yếu tố phát triển bản sắc thương hiệu, DN cần phải đáp ứng thị hiếu, am hiểu thị trường thì mới thật sự thành công.

 

Với ngành dệt may, trước sự cạnh tranh của Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, các DN dệt may Việt Nam phải xây dựng cho mình một thương hiệu vững mạnh để xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài bằng chính thương hiệu của mình. Việc này giúp các DN thu được nhiều lợi nhuận hơn và thoát khỏi tình trạng “gia công thuần túy” như hiện nay.

 

Theo Mỹ Hạnh

Báo SGGP