Có thể mở cửa dịch vụ sớm hơn cam kết WTO

Hôm nay, Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị định thư gia nhập WTO. Trong tờ trình của Chính phủ gửi trước tới các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sẽ không cứng nhắc bảo lưu một số hạn chế về mở cửa thị trường các ngành dịch vụ cơ bản như bán lẻ, ngân hàng, viễn thông.

Tại phiên họp của Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển khẳng định việc mở cửa thị trường dịch vụ mang lại lợi ích lớn, nhất là ở các lĩnh vực dịch vụ có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, giao thông vận tải... Chính phủ chủ trương không lạm dụng những hạn chế mở cửa trong các ngành đó để tránh tình trạng ỷ lại, chậm đổi mới.

 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Hậu, Giám đốc Công ty cơ khí Tây Ninh rất tán thành quan điểm mở cửa sớm một số lĩnh vực dịch vụ cơ bản.

 

Ông lấy ví dụ về ngành viễn thông. Mười năm trước khi Việt Nam chỉ có một nhà cung cấp điện thoại di động là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT), điện thoại di động được coi là xa xỉ với phí hòa mạng 1,5 triệu đồng/máy, thuê bao 250.000 đồng/tháng và dù chỉ gọi 5 giây từ Hà Nội vào TPHCM cũng mất đứt 5.000 đồng.

 

Suốt một thời gian dài, VNPT không giảm giá, không khuyến mãi và luôn khẳng định không thể giảm cước. Thế nhưng mọi việc hoàn toàn ngược lại khi thị trường có thêm nhà cung cấp dịch vụ mới như S-Fone và Viettel.

 

“Cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông giúp mỗi tháng công ty tôi tiết kiệm được 100 triệu đồng tiền cước quốc tế. Bảo hộ cho các ngành dịch vụ cơ bản, các nhà tạo lập chính sách mong muốn các doanh nghiệp trong nước phát triển và đảm bảo hệ thống kinh tế huyết mạch của quốc gia. Thế nhưng chính vì bảo hộ như thế dẫn tới độc quyền và bản thân doanh nghiệp không mạnh”, ông Hậu nhận xét.

 

Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng cần thiết phải mở cửa sớm hơn nữa một số lĩnh vực. Đơn cử như viễn thông không chỉ đem lại thu nhập nhiều hơn cho ngân sách mà còn cải thiện cơ sở hạ tầng, tác động có lợi cho nhiều ngành khác.

 

Trong lĩnh vực ôtô chẳng hạn, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, thuế nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc sẽ giảm từ 90% xuống các mức thuế suất 47%, 52%, 58% và 70% (tương ứng với số chỗ ngồi của xe) trong thời gian 7 - 12 năm. Thực tế Việt Nam đã bảo hộ cho các doanh nghiệp ôtô trong khoảng thời gian khá dài (14 năm), những gì ngành này có được là tỷ lệ nội địa hóa thấp, dựa chủ yếu vào lắp ráp.

 

Sẽ có quỹ dự phòng thất nghiệp

 

Theo tính toán của Chính phủ, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thu từ thuế nhập khẩu sẽ giảm khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến, tác động xã hội trong đó có việc làm, thất nghiệp sẽ không có biến động lớn, tuy nhiên ngân sách sẽ có khoản dự phòng cho vấn đề này.

 

Ở góc độ một giám đốc doanh nghiệp, ông Trần Hữu Hậu cho rằng khả năng doanh nghiệp phá sản dẫn tới thất nghiệp hàng loạt là khó xảy ra. Trong năm nay, công ty của ông xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 3,5 triệu USD, năm tới giá trị đơn đặt hàng (tính đến thời điểm này) lên tới 7 triệu USD.

 

“Xuất khẩu sẽ tốt hơn vì thuế nguyên vật liệu đầu vào giảm, thuế xuất khẩu đầu ra giảm. Những biến động về việc làm như thất nghiệp sẽ chủ yếu mang tính ngắn hạn bởi với việc mở cửa thị trường, thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài, ta sẽ có cơ hội tạo ra nhiều công ăn, việc làm mới”, ông Hậu nói.

 

Bên cạnh đó, không phải ngay khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng trực tiếp các cam kết. Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ quyết định các cam kết nào được áp dụng trực tiếp (những nội dung đủ rõ, chi tiết) và cam kết nào cần kèm theo điều chỉnh pháp luật (chuyển hoá vào pháp luật trong nước).

 

Theo V. Phong

VnExpress