Có thể kiện thép Trung Quốc bán phá giá?

(Dân trí) - Thời gian gần đây, sản phẩm thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc đang có hiện tượng <a href="http://dantri.com.vn/kinhdoanh/2006/9/139115.vip"> bán phá giá vào thị trường Việt Nam</a>. Liệu các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể khởi kiện đối với các sản phẩm thép cuộn nhập khẩu từ Trung Quốc?

Liên quan đến những thông tin trên, hôm qua 8/9, Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại đã có ý kiến về vấn đề này. Theo Cục quản lý cạnh tranh, việc có hay không thép cuộn Trung Quốc bán phá giá vào thị trường Việt Nam cần phải xem xét thận trọng dựa trên các cơ sở pháp luật Việt Nam và quốc tế.

Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện giá phôi thép và thép cuộn của Trung Quốc đang được chào bán cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá là 7.350.000 đồng/tấn (tương đương 459USD). Với mức giá bán như vậy, sau khi trừ đi tất cả các chi phí thì mức giá bán cho nhà nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam sẽ từ 380-385 USD/tấn.

Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, việc Hiệp hội và các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam muốn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình đối với hành vi thương mại không công bằng là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế.

Tuy nhiên, để tiến hành một vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, Hiệp hội và các doanh nghiệp cần phải nắm rõ các quy định và tuân thủ đúng trình tự, thủ tục của Pháp luật Việt Nam về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo quy định của Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải là điện diện cho ngành sản xuất trong nước. Đại diện ngành sản xuất trong nước phải đáp ứng hai điều kiện:

- Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa do họ sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% tổng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước.

- Khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hóa quy định như trên và của các nhà sản xuất trong nước ủng hộ việc nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải lớn hơn khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa tương tự của các nhà sản xuất trong nước phản đối yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Đồng thời, khi yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một sản phẩm nhập khẩu, cần phải xem xét liệu thị phần nhập khẩu của mặt hàng đó có chiếm trên 3% tổng thị phần nhập khẩu hàng hóa đó vào Việt Nam hay không, hàng hóa đó có thực sự bán phá giá vào thị trường Việt Nam, có thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Việt Nam và mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá và gây thiệt hại hay không.

Việc kết luận sản phẩm thép cuộn nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc bán phá giá mặt hàng thép cuộn của Việt Nam hay không cơ quan điều tra chống bán phá giá của Việt Nam cần phải tiến hành các bước điều tra cần thiết, thu thập thông tin, số liệu thống kế, tính toán giá xuất khẩu, giá trị thông thường của hàng hoá và tất cả các bước này cần phải tuân thủ đúng các thời hạn theo luật định.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết sẽ sẵn sàng tham vấn với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp về các vấn đề nói trên để thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trước mắt, Cục đã có những hướng dẫn bước đầu cho Hiệp hội và các doanh nghiệp thu thập các thông tin có liên quan cũng như nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật để có thể đưa ra những lập luận và chứng cứ cụ thể về vụ việc này.

Trần Đức