Có phương án an toàn cho vùng hạ du khi vận hành đập thuỷ điện, nhưng dân không biết?

(Dân trí) - “Chúng ta đều có phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta có phương án xong rồi lại để đấy, chứ không phổ biến cho người dân biết. Người dân chưa được diễn tập nên lúng túng khi xảy ra các tình huống như việc xả đập gây ngập lụt ở vùng hạ du”

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đã phát biểu như trên tại Hội nghị “Quản lý, vận hành đập thuỷ điện và phòng chống thiên tai ngành công thương” vừa diễn ra tại Đà Nẵng trong ngày 7/6.

Hội nghị đã đánh giá, nhìn nhận cả những mặt tích cực, hiệu quả và những tồn tại, hạn chế; đồng thời, ghi nhận nhiều sáng kiến, ý kiến đóng góp, đề xuất của các đại biểu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành đập thuỷ điện và phòng chống thiên tai.

Hội nghị Quản lý, vận hành đập thuỷ điện và phòng chống thiên tai ngành công thương” vừa diễn ra tại Đà Nẵng trong ngày 7/6.
Hội nghị "Quản lý, vận hành đập thuỷ điện và phòng chống thiên tai ngành công thương” vừa diễn ra tại Đà Nẵng trong ngày 7/6.

Cần sớm xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du chung

Trên đây là đề nghị của ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra tại hội nghị. Góp ý tại hội nghị, ông Thanh còn đề nghị các chủ hồ cần đánh giá và chủ động lắp đặt trạm quan trắc phục vụ công tác dự báo lượng mưa lũ về hồ chứa. Trong thực tế, theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, các chủ hồ gần như phó mặc cho các đơn vị khí tượng thủy văn nên việc ra quyết định xả lũ rất bị động.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam góp ý cần sớm xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du khi vận hành đập xả lũ
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam góp ý cần sớm xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du khi vận hành đập xả lũ

Riêng ở Quảng Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh đề nghị cần sớm cập nhật bổ sung điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Thu Bồn, bởi quy trình vận hành liên hồ hiện nay thực chất như vận hành đơn hồ.

Còn theo ông Phạm Phong - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Ba, để đảm bảo vận hành hiệu quả hơn cho hồ thủy điện, cần điều chỉnh một số điểm trong quy trình vận hành liên hồ như khi bắt đầu có mưa giông mùa hè thì chủ hồ hạ thấp mực nước hồ, càng thấp càng tốt để đón lũ đầu tiên trong năm, không hạn chế mức thấp nhất, cuối mỗi trận lũ lớn, tích nước đầy hồ, không đưa về mực nước trước lũ, thành lập tổ điều hành liên hồ từ các chủ hồ trực thuộc Sở Công Thương.

Về công tác khắc phục sự cố hệ thống điện do thiên tai, ông Trịnh Xuân Nguyên - đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2017, ngành Điện đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề do thiên tai. Mặc dù vậy, EVN đã nhanh chóng khắc phục sự cố, cấp điện trở lại nhanh nhất có thể.

Đại diện EVN cũng chia sẻ, việc trang bị thiết bị quan trắc tự động đo mực nước hồ, lắp camera quan sát mực nước hồ chứa và tình trạng hạ lưu công trình cho thấy hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn vận hành các đập thủy điện, các hồ chứa; góp phần quan trọng trong việc cắt lũ, xả lũ trên lưu vực các sông trong cả nước.

Lãnh đạo Bộ Công thương: Tăng cường phối hợp với địa phương trong công tác cảnh báo vận hành xả lũ

Ghi nhận các ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trực thuộc ngành công thương trong công tác xây dựng kế hoạch, bố trí xử lý kịp thời các sự cố do thiên tai gây ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. Các nhà máy thủy điện đã tuân thủ các quy định về xây dựng phương án phòng chống lũ lụt, phối hợp với địa phương ngày một hiệu quả.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cũng thẳng thắn phê bình một số đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác phòng chống thiên tai (PCTT), công tác diễn tập PCTT chưa được thực hiện thường xuyên. Các nhà máy thủy điện mặc dù đã có cảnh báo, cũng như có phương án phối hợp với địa phương xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trong quá trình vận hành đập; nhưng việc vận hành xả lũ của đập thuỷ điện vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân vùng hạ du.

Việc vận hành xả lũ của đập thuỷ điện vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân vùng hạ du
Việc vận hành xả lũ của đập thuỷ điện vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân vùng hạ du

“Chúng ta đều có phương án bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta có phương án xong rồi lại để đấy, chứ không phổ biến cho người dân. Người dân chưa được diễn tập nên lúng túng khi xảy ra các tình huống như việc xả đập gây ngập lụt ở vùng hạ du. Và trong thực tế, người dân đã bị ảnh hưởng, bị thiệt hại trong quá trình vận hành đập” - Thứ trưởng Vượng nói.

Thứ trưởng Vượng đề nghị các đơn vị trực thuộc ngành công thương thực hiện nghiêm túc luật, quy định về quản lý an toàn điện; kiểm tra, rà soát các công trình trước và sau bão, lũ để kịp thời khắc phục sự cố nếu có; các công trình thuỷ điện phải thực hiện nghiêm các quy định về vận hành liên hồ, đơn hồ, đầu tư các trạm quan trắc trên hồ đập để đảm bảo vận hành an toàn.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công thương lưu ý các đơn vị trực thuộc Bộ cần phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ; tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những tồn tại, hạn chế để hướng dẫn các chủ đập thực hiện đúng các quy định của pháp luật về thuỷ điện.

Tâm An