Cổ phiếu Tân Tạo khớp lệnh "khủng", EIB thỏa thuận 12,8 triệu cổ phiếu

(Dân trí) - Trong khi tại phương thức thỏa thuận, cổ phiếu Eximbank giao dịch chiếm gần 91% tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận tại HoSE thì với phương thức khớp lệnh, ITA của Tân Tạo cũng được giao dịch khối lượng khủng trên 24% HoSE.

Trong khi HNX-Index giảm điểm thì VN-Index tăng nhẹ.

Trong khi HNX-Index giảm điểm thì VN-Index tăng nhẹ.

Trong phiên giao dịch sáng 12/10, EIB của Eximbank và ITA của Tân Tạo trở thành tâm điểm chú ý của thị trường.

Trong khi ở giao dịch thỏa thuận, EIB được giao dịch 12,8 đơn vị tại mức giá 15.000 đồng/cp, đạt tổng giá trị giao dịch trên 192,1 tỷ đồng lúc 10 giờ sáng thì ITA tăng trần lên 4.600 đồng/cp, giao dịch khớp lệnh trên 7 triệu đơn vị - chiếm 24,4% tổng khối lượng giao dịch trên sàn TPHCM (HoSE)

Khối lượng giao dịch thỏa thuận của EIB chiếm gần 91% tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận tại HoSE.

HoSE sáng nay có 4 mã được khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Ngoài khối lượng khớp "khủng" tại ITA thì KBC cũng tăng trần lên 5.700 đồng/cp và khớp gần 1,5 triệu đơn vị. Cuối phiên, KBC còn dư mua giá trần 318 nghìn cổ phiếu. Đây là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của KBC.

Trước đó, tại phiên 10/10 và 11/10, KBC và ITA đã trở thành "cảm hứng" cho thị trường. Tại hai phiên này, ITA đều được giao dịch ở khối lượng lớn, với trên 5,2 triệu đơn vị khớp lệnh phiên 10/10 và gần 3,5 triệu đơn vị phiên hôm qua. Cuối phiên sáng nay, ITA vẫn còn dư mua trên 1 triệu đơn vị.

Theo báo cáo soát xét bán niên hợp nhất, lãi sau thuế của ITA đạt 5,36 tỷ đồng, giảm 90,3% so với cùng kỳ, trong khi lãi sau thuế công ty mẹ cũng giảm mạnh từ 48,62 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống 1,94 tỷ đồng nửa đầu năm nay.

Theo giải trình của công ty, việc sụt giảm lợi nhuận 6 tháng đầu năm do thị trường bất động sản đóng băng, cộng thêm việc thắt chặt tín dụng khiến các khu công nghiệp không thực hiện được đầu tư mở rộng sản xuất.

EIB hết phiên sáng tăng 300 đồng/cp lên 15.100 đồng khớp gần 1,3 triệu đơn vị sau hai phiên liên đứng giá tham chiếu và thanh khoản khiêm tốn.

Ngoài ra, một số mã như ACB, SHB, VND, BVH, FPT, STB, VCB đều giảm điểm.

FPT sáng nay mất 100 đồng/cp, tương ứng giảm 0,3% xuống còn 37.400 đồng/cp sau 3 phiên tăng liên tiếp. Sự kiện đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây của Tập đoàn này đó là việc nguyên Tổng Giám đốc Trương Đình Anh tiếp tục rút khỏi ghế Chủ tịch một công ty thành viên là FPT Telecom. Ngoài ra, tập đoàn cũng đã công bố kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng, với lợi nhuận trước thuế đạt 1.755 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch năm, doanh thu 17.616 tỷ đồng, hoàn thành 68% kế hoạch.

CTG, HPG, MBB, MSN đứng giá tham chiếu.

Các mã larger cap như VNM tăng 1.000 đồng/cp, tuy nhiên khối lượng giao dịch thấp, không đáng kể.

Đóng cửa phiên sáng, chỉ số hai sàn đi ngang, VN-Index nhích nhẹ thêm 0,01 điểm lên 394,2 điểm, HNX-Index mất 0,39 điểm còn 55,45 điểm. Trong khi khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 28,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 287,6 tỷ đồng thì ở sàn Hà Nội, có 20,6 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng 131,9 tỷ đồng.

Số mã tăng toàn sàn đạt 128 mã, khiêm tốn so con số 206 mã giảm. Có 47 mã tăng trần và 61 mã giảm sàn. Số mã đứng giá chiếm tỉ trọng lớn nhất, với 370 mã. Rổ VN30 có 10 mã giảm so 13 mã tăng, không có cổ phiếu nào giảm sàn, có 1 mã tăng trần.

Mai Chi