Cổ phiếu “ông lớn” ACV sụt giảm sau công bố kết luận thanh tra
(Dân trí) - Cổ phiếu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ghi nhận ba phiên giảm mạnh liên tiếp từ hôm 8/1 sau khi Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt các vi phạm trong giai đoạn 2012-2015.
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong giai đoạn 2012-2015.
Ngay sau khi kết luận thanh tra này được công bố, giá cổ phiếu ACV đã có phản ứng không mấy tích cực. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch chiều nay tại mức 106.500 đồng.
Như vậy, ACV đã ghi nhận ba phiên giảm mạnh liên tiếp từ hôm 8/1. Trong khi đó, cuối phiên giao dịch tuần trước, giá cổ phiếu ACV giao dịch ở mức 119.000 đồng.
Mặc dù liên tiếp sụt giảm, song theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM giá cổ phiếu ACV vẫn còn đà tăng ngắn hạn vì công ty chuẩn bị chuyển sàn sang Hose trong Q2/2018. Bên cạnh đó là đề xuất bán đấu giá một lượng đáng kể cổ phần cho nhà đầu tư tài chính trong Q3/2018. Trong khi đó kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cũng là một động lực trong dài hạn.
Công ty khẳng định những vi phạm này phát sinh trước khi ACV được chuyển đổi thành công ty cổ phần vào ngày 1/4/2016. Do vậy sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hay ban lãnh đạo hiện nay của công ty.
Tuy nhiên theo HSC, rủi ro dài hạn chính ở đây là rủi ro pha loãng do công ty hiện có kế hoạch phát triển yêu cầu huy động vốn trung hạn lớn, với thời gian hoàn vốn dài.
Trước đó, ngày 8/1, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu của ACV.
Theo đó, hàng loạt vi phạm tại ACV, trong đó có hoạt động liên quan tới việc thu hồi và giao đất quốc phòng không đúng để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, thu tiền ôtô đưa đón khách không đúng quy định, vi phạm cổ phần hóa, thoái vốn… đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
ACV là một trong 3 doanh nghiệp chủ chốt của ngành hang không, bên cạnh Vietnam Airlines và VATM (quản lý hoạt động không lưu). Hiện ACV đang quản lý và khai thác tất cả 22 sân bay dân dụng tại Việt Nam.
ACV chính thức được thành lập vào đầu năm 2012 khi Bộ Giao thông vận tải quyết định hợp nhất tổng công ty Cảng hàng không Miền Bắc, Miền Trung và Miền Nam nhằm tập trung nguồn lực và giải bài toàn nguồn vốn.
Năm 2017, ACV dự kiến đạt doanh thu thuần 15.109 tỷ đồng và lãi trước thuế 5.843 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 106%.
Nguyễn Khánh