1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường OTC:

Cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu "tan băng"?

Liên tục sụt giảm 50% - 60%, cổ phiếu ngành ngân hàng được coi là nơi "đóng băng" dày nhất trên thị trường OTC. Tuy nhiên trong khoảng 2 tuần vừa qua, dấu hiệu "tan băng" đã xuất hiện, nhiều cổ phiếu ngân hàng đang hồi phục trên thị trường.

Giá tăng, giao dịch tăng

 

Các giao dịch cổ phiếu ngân hàng đang tăng trở lại, giúp giá nhiều loại cổ phiếu ngân hàng tăng khá nhanh. Đơn cử như cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội, trước đó dù đơn vị này công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm nhưng giá cổ phiếu vẫn "đủng đỉnh" ở mức 6,3 triệu đồng/cp.  Nhưng chưa đầy 1 tuần qua, giá đã tăng vọt lên 6,9-7 triệu đồng/cp.

 

Cổ phiếu Eximbank cũng có bước “lội ngược dòng” khá ngoạn mục, khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) ngỡ ngàng. Từ mức đáy 6,5 triệu đồng/cp của tháng trước, đầu tuần này giá đã tăng lên gần 8 triệu đồng/cp. Không những tăng giá, cổ phiếu của Eximbank còn trở nên khan hiếm sau khi có nhiều thông tin về việc bán cổ phiếu cho 17 đối tác trong nước, sắp "chốt" bán cho cổ đông nước ngoài...

 

Cổ phiếu của Ngân hàng Phương Đông (OCB) đang từ mức 4 triệu đồng tăng lên 4,7 triệu đồng/cp, các cổ phiếu VPBank, Phương Nam, Habubank, Đông Á... cũng hồi phục đáng kể. Trong đó, VPBank trước còn ở mức 40.000 - 42.000 đồng/cp nay leo lên 46.000-48.000 đồng/cp.

 

Trong tuần qua, thống kê trên thị trường OTC cho thấy cổ phiếu ngân hàng cũng dẫn đầu trong những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất. 

 

Có thể nói, cổ phiếu ngân hàng đang từng bước lấy lại "phong độ" của mình. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra thận trọng đối với sự hồi phục của cổ phiếu ngân hàng. Một NĐT chuyên nghiệp tại TP.HCM cho biết, mặc dù diễn biến giá cổ phiếu ngân hàng rất hứa hẹn song việc các "đại gia" trong ngành ngân hàng như Vietcombank (VCB), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV)... chuẩn bị IPO vào cuối năm khiến ông chưa mua vào thời điểm này. 

 

Mua để cân bằng giá 

 

Có nhiều nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng tăng giá. Đầu tiên là việc một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm với những con số khả quan. Nguyên nhân kế tiếp là cổ phiếu ngân hàng sau đợt sụt giảm kéo dài đang ở mức giá được nhiều NĐT đánh giá là rất hấp dẫn. Một số NĐT cho biết cổ phiếu ngân hàng luôn là ưu tiên trong danh mục đầu tư trên thị trường OTC của mình.

 

Chị M.Hà, một NĐT "tay ngang" đã tham gia thị trường chứng khoán gần 2 năm nay vừa vội vàng mua vào cổ phiếu OCB với giá 4,4 triệu đồng/cp và Eximbank với giá 7,85 triệu đồng/cp. Giải thích lý do mua 2 loại cổ phiếu này, chị Hà cho biết, khi cổ phiếu ngân hàng đang tạo cơn sốt trên thị trường chứng khoán, chị đã "ôm" 2 cổ phiếu này với giá lần lượt 12,5 triệu đồng/cp của OCB và 13,7 triệu đồng/cp Eximbank. Vừa mua xong cũng là lúc thị trường OTC đóng băng, giá cổ phiếu giảm mạnh nên kế hoạch "mua nhanh, bán nhanh" của chị bị đổ bể. Nay thấy giá 2 loại cổ phiếu này giảm còn khoảng 50% so với trước đây nên chị quyết định mua vào với mục đích "cân bằng giá" giữa số cổ phiếu cũ và mới (cộng giá cũ với giá mới rồi chia trung bình).

 

Theo cách "cân bằng" này, chị Hà đang sở hữu cổ phiếu OCB với giá khoảng 8,5 triệu đồng/CP; EXB với giá khoảng 11 triệu đồng/cp. "Hy vọng với mức giá này, thời gian chờ “ra hàng” sẽ nhanh hơn".

 

Cũng trong tâm trạng muốn cân bằng giá số cổ phiếu ngân hàng đang nắm giữ suốt nhiều tháng nay, một NĐT tên là Tĩnh đã mua vào cổ phiếu của Ngân hàng Quân đội (MB) và của Ngân hàng cổ phần nhà Hà Nội (Habubank)... Anh Tĩnh cho biết, anh "không bao giờ ngờ được" tới một ngày các cổ phiếu lại "rẻ" như hiện nay. "Nhiều người can ngăn nhưng tôi vẫn quyết định mua vào để bù lại mức giá quá cao trước đây. Với mức giá trung bình thấp hơn, tôi hy vọng sẽ sớm bán được số cổ phiếu này để thu hồi vốn. Trong trường hợp vẫn không thể bán thì hy vọng số quyền lợi cổ đông sau này sẽ bù đắp lại phần nào" - anh Tĩnh nói.

 

Chiến lược mua trung bình giá cũng đang là lựa chọn của nhiều NĐT khác. Một số NĐT khác cho biết họ mua cổ phiếu ngân hàng vì sợ khi thị trường khởi sắc sẽ không thể "gom" kịp, như tình trạng xảy ra lúc thị trường "sốt" trước tháng 3 năm nay.  

 

Theo Nguyên Hằng

Thanh Niên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm