Cổ phiếu HDBank: Vội vàng niêm yết chưa hẳn đã có lợi
(Dân trí) - Giải đáp thắc mắc của cổ đông về chuyện khi nào cổ phiếu HDBank được niêm yết trên sàn chứng khoán, Hội đồng Quản trị ngân hàng này cho biết, việc niêm yết chắc chắn sẽ làm nhưng cần lựa chọn thời điểm thích hợp.
Sáng nay (21/4), Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM - HDBank đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên. Câu chuyện được cổ đông quan tâm nhất là có hay không và khi nào cổ phiếu nhà băng này được niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu không niêm yết, có ảnh hưởng gì đến giá trị cổ phiếu hay không?
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) HDBank cho biết, vấn đề niêm yết đã được đưa ra mổ xẻ, bàn thảo trong các kỳ đại hội trước. Nếu muốn niêm yết tại HOSE, chỉ cần 2 tuần là xong các thủ tục. Vấn đề quan trọng là phải chọn thời điểm thật phù hợp thì mới niêm yết. Bởi, cổ phiếu chưa niêm yết không hẳn là không tốt. Niêm yết rơi vào thời điểm giá cổ phiếu không tốt thì "lợi bất cập hại".
"Nếu HDBank niêm yết lên rồi giao dịch dưới mệnh giá như một số ngân hàng đang niêm yết thì điều này không có ý nghĩa. Vội vàng niêm yết thì chưa hẳn đã có lợi. Để tối đa hóa giá trị cho cổ đông thì vấn đề là phải chọn được thời điểm niêm yết cho phù hợp", bà Thảo nói.
Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, giai đoạn 2014 - 2016, ngân hàng này đã tính chuyện niêm yết cổ phiếu trên sàn. Tuy nhiên, do giai đoạn này, HDBank "bận" tái cơ cấu sau sáp nhập DaiA Bank và mua lại 100% vốn SGVF nên tạm hoãn kế hoạch niêm yết. Bà Tâm cho biết, việc niêm yết sớm muộn gì cũng phải làm nhưng để thể hiện đúng giá trị của ngân hàng thì cần chuẩn bị kỹ lưỡng về thời điểm, quan sát kỹ thị trường.
Trước đó, báo cáo tại đại hội, HĐQT HDBank cho biết, năm 2016, lợi nhuận trước thuế hợp nhất HDBank đạt 1.248 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015, trong đó ngân hàng mẹ HDBank đạt 830 tỷ đồng. ROE đạt 9,24% và ROA đạt 0,71%.
Tổng tài sản tính đến cuối năm ghi nhận 150.294 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2015; tổng huy động đạt 134.189 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2015 (riêng huy động thị trường 1 tăng 39%); dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 90.121 tỷ đồng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 34% so với năm 2015, trong đó ngân hàng mẹ HDBank đạt 82.104 tỷ đồng, tăng 30%; HDSaigon đạt 8.055 tỷ đồng, tăng 72%). Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,6%, trong đó ngân hàng mẹ HDBank là 1,26%, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất là 12,53%.
Định hướng năm 2017, HDBank đưa ra mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 19% lên 178.800 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng 9% lên 8.829 tỷ (thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức); huy động thị trường 1 và dư nợ tín dụng cùng tăng trưởng 20% (tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng của HDBank riêng lẻ là 16% và 2.400 tỷ đồng cho vay các dự án ngành điện, HDSaigon là 26%). HDBank lên kế hoạch lãi trước thuế 1.300 tỷ đồng, tăng trưởng 13% và lợi nhuận sau thuế cán mốc 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9%.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2016, với khoản lợi nhuận có thể chia cổ tức cho cổ đông HDBank là 620 tỷ đồng, HĐQT trình phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 9%, ứng với 567 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua số lượng thành viên HĐQT HDBank nhiệm kỳ mới (2017-2022) gồm 9 thành viên, trong đó có 2 thành viên HĐQT độc lập; số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2017-2022 là 3 thành viên.
Danh sách ứng viên cho HĐQT HDBank nhiệm kỳ 2017-2022 đã được NHNN chấp thuận bao gồm: bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Hữu Đặng, bà Nguyễn Thị Tâm, ông Chu Việt Cường, ông Lim Peng Khoon, ông Lý Vinh Quang, ông Nguyễn Thành Đô.
Ông Lý Vinh Quang và ông Nguyễn Thành Đô là gương mặt mới trong HĐQT HDBank nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Quang từng đảm nhận vị trí quan trọng tại Techcombank, BacABank, ABBank và cả HDBank hiện đã về hưu và ông Đô từng đảm nhận chức vụ quan trọng tại Bộ Tài chính nay cũng đã về hưu.
Công Quang