Cổ phiếu giật lùi, Vinamilk "văng" khỏi top 5 vốn hóa
(Dân trí) - Giữa lúc VN-Index và nhiều cổ phiếu bluechip lập đỉnh lịch sử, cổ phiếu VNM của Vinamilk đi lùi và bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh. Vinamilk cũng văng khỏi top 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất.
Là nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán và không dám mạo hiểm nhiều, anh Nguyễn Hưng (25 tuổi, ngụ tại Hà Nội), chỉ rót tiền vào các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc rổ VN30. Cuối tháng 3, sau khi chốt lãi một số cổ phiếu mua vào từ cuối năm 2020, nhà đầu tư này giải ngân 60% số tiền mặt vào cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Khi đó, thị giá VNM vừa rớt xuống còn dưới 100.000 đồng/cổ phiếu. Anh Hưng tin tưởng mã bluechip này sẽ sớm quay trở lại mốc 3 chữ số. Nhưng nhà đầu tư F0 trên đã nhầm. Hơn một tháng sau, anh chấp nhận bán cắt lỗ khi thị giá VNM giảm xuống dưới 90.000 đồng/cổ phiếu.
Thụt lùi khi thị trường chung tăng
Cổ phiếu VNM đi lùi trong bối cảnh thị trường chung vẫn tăng điểm, VN-Index liên tục lập những đỉnh lịch sử mới. Nếu rót tiền vào một số cổ phiếu ngân hàng hay bất động sản trong rổ VN30 thay vì VNM, những nhà đầu tư như anh Hưng có thể đã có lãi lớn thay vì phải chịu lỗ.
Theo thống kê của Dstock, giá cổ phiếu VNM giảm 14% trong 3 tháng gần nhất và mất 16% so với thời điểm đầu năm nay. Trong cùng những khoảng thời gian này, VN-Index lần lượt tăng 12% và 19%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở vùng đỉnh lịch sử khi VN-Index vượt 1.300 điểm. Nhiều cổ phiếu bluechip cũng xác lập kỷ lục giá từ khi lên sàn. Trong khi đó, ở vùng giá quanh mốc 90.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, VNM đang ngày càng xa mức đỉnh hơn 130.000 đồng/cổ phiếu thiết lập vào năm 2018 (theo giá điều chỉnh sau khi chia tách).
Xuyên suốt lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp có thời gian nắm giữ "ngôi vương" về vốn hóa trong thời gian dài nhất. Trong gần 3 năm qua, đại gia ngành sữa không còn giữ vị trí đầu bảng nhưng luôn đứng trong top 4 về vốn hóa niêm yết.
Tuy nhiên, tình hình thay đổi nhanh chóng từ đầu tháng 5. Lần lượt cổ phiếu của Hòa Phát (HPG), Vietinbank (CTG) vượt mặt Vinamilk trên bảng xếp hạng vốn hóa. Khi các cổ phiếu này tăng mạnh, VNM giậm chân tại chỗ. Hiện tại, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam chỉ còn đứng thứ 6 về giá trị niêm yết với vốn hóa 188.000 tỷ đồng (8,2 tỷ USD).
Trong bối cảnh đó, từ vị thế một trong những bluechip được nhà đầu tư nước ngoài yêu thích, cổ phiếu Vinamilk liên tục bị khối ngoại bán ròng. Theo dữ liệu của YSRadar, VNM là mã bị nhà đầu tư ngoại "xả hàng" nhiều thứ hai trên thị trường từ đầu năm với giá trị bán ròng gần 6.800 tỷ đồng, chỉ sau HPG (giá trị bán ròng 7.400 tỷ đồng).
Định giá hấp dẫn?
Dân trí đặt câu hỏi với bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, về định giá của Vinamilk hiện có thấp hơn giá trị thực của doanh nghiệp sau thời gian cổ phiếu đi lùi. Tuy nhiên, bà Tâm từ chối bình luận về vấn đề nói trên.
Trong khi đó, các công ty chứng khoán lại có những nhận định khác biệt về mức định giá hiện tại của Vinamilk.
Trong báo cáo mới nhất phát hành ngày 18/5, bộ phận phân tích của VCSC đánh giá, định giá của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đang ở mức hấp dẫn sau thời gian cổ phiếu bị điều chỉnh mạnh. P/E (hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần) hiện tại của Vinamilk chỉ hơn 17 lần, thấp hơn nhiều so với mức 22 lần bình quân 5 năm gần nhất.
Theo quan điểm của VCSC, đà giảm của cổ phiếu VNM đến từ áp lực bán ròng của khối ngoại cũng như lợi nhuận quý I sụt giảm. Lãi ròng 3 tháng đầu năm của Vinamilk đạt 2.597 tỷ đồng, thấp hơn 9% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu đại gia ngành sữa cũng giảm 7% còn 13.190 tỷ, mức thấp nhất trong một quý của 2 năm qua.
Tuy nhiên, nhóm phân tích này cho rằng các chỉ số quan trọng như thị phần, biên lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) vẫn tốt hơn các công ty cùng ngành.
VCSC dự báo Vinamilk sẽ tăng trưởng doanh số trở lại trong các quý tiếp theo dựa trên sự thống trị về thị phần nhờ vào giá trị thương hiệu lớn, danh mục sản phẩm đa dạng, việc ra mắt các sản phẩm mới và tiềm năng tái định vị thương hiệu Mộc Châu Milk sau khi M&A.
Ngược lại, chuyên gia phân tích của VDSC giữ quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng giá cổ phiếu VNM trong năm 2021. "Công ty vẫn thiếu vắng câu chuyện đầu tư mới và chúng tôi cũng lo ngại về giai đoạn bão hòa của thị trường sữa Việt Nam sẽ đến sớm hơn kỳ vọng trước đó", báo cáo ngày 13/5 của VDSC nêu.
VDSC dự báo cả doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk năm 2021 sẽ tăng trưởng thấp ở mức một chữ số. Nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sữa suy yếu trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam và những tác động tiêu cực của đà tăng giá nguyên vật liệu lên tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp.
Dù vậy, Vinamilk vẫn đang có nhiều lợi thế về dài hạn, theo VDSC. Các yếu tố tích cực gồm vị thế tiên phong vững chắc trong thị trường sữa Việt Nam với nỗ lực cao cấp hóa danh mục sản phẩm, tiềm năng tăng trưởng tốt của mảng xuất khẩu cùng cổ tức tiền mặt ổn định dài hạn.