1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu doanh nghiệp y dược “nổi sóng”

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường "ủ rũ", giao dịch trầm lắng, các chỉ số "giằng co" lên xuống thì nhóm cổ phiếu ngành y dược lại đang được bứt tốc tăng giá mạnh, nhiều cổ phiếu tăng trần.

Thị trường sáng nay (18/8) vẫn tiếp tục diễn biến giằng co trên nền thanh khoản thấp.

VN-Index sụt giảm 0,35 điểm tương ứng 0,04% còn 849,8 điểm trong khi HNX-Index tăng nhẹ 0,06 điểm tương ứng 0,05% lên 117,27 điểm và UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,4% lên 57,09 điểm.

Cổ phiếu doanh nghiệp y dược “nổi sóng”  - 1

Số lượng mã tăng giá chiếm ưu thế nhưng VN-Index vẫn suy giảm

Thanh khoản đạt 138,64 triệu cổ phiếu tương ứng 2.137,58 tỷ đồng trên HSX và 24,25 triệu cổ phiếu tương ứng 221,19 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 13,56 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 161,95 tỷ đồng.

Toàn thị trường vẫn còn 935 mã không hề có giao dịch nhưng điểm tích cực là độ rộng thị trường đã nghiêng rõ rệt về phía các mã tăng giá. Số lượng mã tăng đạt 366 điểm và có 45 mã tăng trần, áp đảo so với số lượng 266 mã giảm, 30 mã giảm sàn.

Riêng trong rổ VN30 có 12 mã tăng, 17 mã giảm và có 1 mã đứng tham chiếu. EIB hiện đang là cổ phiếu có thiệt hại lớn nhất với biên độ giảm 1,2% xuống 16.800 đồng; SAB giảm 1% xuống 182.000 đồng, VIC, VHM, MSN, BID, VNM, VRE cũng đồng loạt giảm giá.

Ở chiều ngược lại, SBT có diễn biến tích cực nhất, tăng giá 2,2% lên 14.200 đồng, ROS cũng tăng 1,4% lên 2.250 đồng; GAS và VCB cũng tăng nhẹ.

Theo đó, sáng nay, GVR, VCB, VPB, GAS, TCB lần lượt là những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index và ngược lại, VIC, VHM, SAB, BID và VNM ảnh hưởng tiêu cực nhất lên chỉ số chính. Tuy vậy, mức tác động của những mã trên không đáng kể, đến hết phiên sáng chỉ số chính vẫn đang dao động ở biên độ hẹp quanh ngưỡng tham chiếu.

Giữa bối cảnh thị trường lình xình thì cổ phiếu ngành y dược có diễn biến khá tích cực. Cụ thể, DVN của Tổng công ty Dược Việt Nam tăng 5,47% lên 13.500 đồng; DMC của Domesco tăng 2,94% lên 52.500 đồng.

DHT của Dược Hà Tây tăng 0,84% lên 59.900 đồng; DCL của Dược phẩm Cửu Long tăng 5,57% lên 21.800 đồng; PMC của Dược phẩm Dược liệu Pharmedic tăng 2,69% lên 61.000 đồng; DHD của Dược Vật tư Y tế Hải Dương cũng tăng 4,55% lên 23.000 đồng.

Đáng chú ý, DBT của Dược phẩm Bến Tre tăng trần 9,68% lên 17.000 đồng; DDN của Dược - Thiết bị y tế Đà Nẵng tăng trần 14,81% lên 15.500 đồng; PPC của Dược phẩm Phong Phú tăng trần 9,3% lên 14.100 đồng.

Về thanh khoản, trong sáng nay, cổ phiếu ACB của Ngân hàng ACB được thoả thuận với khối lượng lớn 14 triệu đơn vị ở mức giá 25.700 đồng, tổng giá trị giao dịch thoả thuận 392 tỷ đồng.

Giao dịch đột biến diễn ra tại ACB trong bối cảnh ngân hàng này vừa thông qua triển khai phương án chuyển đăng ký niêm yết toàn bộ cổ phiếu từ HNX sang HSX trong khoảng thời gian từ quý 3 đến khi hoàn tất thủ tục. Đồng thời, ACB cũng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% và ngày 21/8 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng.

Cổ phiếu doanh nghiệp y dược “nổi sóng”  - 2

Giao dịch thoả thuận đột biến tại ACB

Về triển vọng của thị trường phiên hôm nay, bên cạnh những hoài nghi thì một số công ty chứng khoán vẫn tỏ ra lạc quan.

Theo VDSC, VN-Index được hỗ trợ ở vùng 842 điểm và đã có tín hiệu phục hồi. Nhìn chung thị trường vẫn đang theo xu hướng dần tăng và hiện tại đang trong nhịp điều chỉnh. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục thử thách trong thời gian gần tới và vẫn có cơ hội để nới rộng nhịp tăng.

Do vậy, nhà đầu tư tiếp tục quan sát thị trường và có thể lựa chọn một số cổ phiếu đang tín hiệu kỹ thuật tốt để lướt ngắn hạn.

Trong khi đó, MBS lưu ý, hiện tại, mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã qua, các áp lực đối với thị trường từ dữ liệu kinh tế quý 2 cũng đã được phản ánh trong nhịp tích lũy gần 2 tuần qua.

Điểm tích cực là lúc này là khối ngoại đang giảm áp lực bán ròng, ở bên ngoài các quốc gia ở những bước cuối cùng để cho ra vắc-xin, chứng khoán toàn cầu cũng đang tăng điểm trong ngày hôm qua. Do vậy, thị trường trong nước được cho sẽ có cơ hội phục hồi hoặc bứt phá khỏi vùng cản trong những phiên sắp tới.

Về kỹ thuật, VN-Index đang gặp lực cản ở vùng 860 điểm, các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh trong năm 2020 khả quan sẽ là địa chỉ của dòng tiền.