Cổ phiếu công ty bầu Đức cháy hàng; VN-Index giảm vẫn có mã lập đỉnh

Mai Chi

(Dân trí) - HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng kịch biên độ HoSE, đóng cửa tại 11.200 đồng, nằm trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index hôm nay. Khớp lệnh tại mã này đột biến.

Áp lực bán tiếp tục được đẩy mạnh lên trong phiên chiều 12/11 khiến VN-Index đánh rơi 5,5 điểm tương ứng 0,44% còn 1.244,82 điểm và một lần nữa mất mốc 1.250 điểm.

VN30-Index giảm 8,51 điểm tương ứng 0,65%; HNX-Index giảm 0,17 điểm tương ứng 0,08%; UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ 0,01 điểm tương ứng 0,01%.

Nhịp độ giao dịch sôi động hơn vào buổi chiều nhưng tổng thanh khoản toàn phiên vẫn chùng xuống đáng kể so với phiên trước.

Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 600,65 triệu đơn vị tương ứng 14.222,17 tỷ đồng; trên HNX là 38,52 triệu đơn vị tương ứng 739,85 tỷ đồng và trên thị trường UPCoM là 24,57 triệu đơn vị tương ứng 375,15 tỷ đồng. Toàn thị trường vẫn có 674 mã không xảy ra giao dịch nào.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm giá với 431 mã giảm, 337 mã tăng. Trong đó, HoSE có 236 mã giảm, lấn át 120 mã tăng.

Phần lớn cổ phiếu trên thị trường có biên dao động khá hẹp và điều chỉnh giá, tuy nhiên vẫn có một số mã ngược chiều, tăng giá mạnh. Có 6 mã tăng trần trên sàn HoSE.

Cổ phiếu công ty bầu Đức cháy hàng; VN-Index giảm vẫn có mã lập đỉnh - 1

Diễn biến giá tại HAG trong phiên 12/11 (Nguồn: VDSC).

HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng kịch biên độ HoSE, đóng cửa tại 11.200 đồng, nằm trong top cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index.

Khớp lệnh ở mã này cũng cao đột biến với 26,4 triệu đơn vị so với mức bình quân chưa tới 6 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong 3 tháng trở lại đây. Riêng khớp lệnh HAG ở mức giá trần đạt xấp xỉ 13 triệu cổ phiếu, kết phiên trắng lệnh bán, dư mua giá trần.

VTP của Viettel Post sau khi điều chỉnh phiên hôm qua thì nay cũng tăng trần và hỗ trợ đáng kể cho VN-Index. Mức đỉnh lịch sử mới của VTP được thiết lập tại 113.400 đồng, ghi nhận mức tăng hơn 55% sau 3 tháng giao dịch.

Trong khi đó, tại nhóm cổ phiếu "vua", phần lớn vẫn trong trạng thái điều chỉnh, mức giảm không lớn nhưng khiến chỉ số thiếu sự hỗ trợ. NAB, CTG điều chỉnh mạnh nhất trong nhóm ngân hàng ở HoSE, mức giảm chỉ ở mức 1,3%. Các mã còn lại giảm dưới mức 1%.

Tương tự với cổ phiếu ngành bất động sản. QCG sau khi tăng lên 14.200 đồng thì đã quay đầu, giảm 2,2% còn 13.550 đồng. SZC cũng giảm 2% còn 41.800 đồng. Một loạt mã khác như HPX, DHG, LHG, LDG, NVL đều điều chỉnh.

Cổ phiếu công nghệ thông tin bị chốt lời, một số mã đã ghi nhận trạng thái giảm như FPT giảm 1,1%; ICT giảm 5,9%; ITD giảm 1,4%.

Theo nhận định của giới phân tích, việc thanh khoản thị trường đi xuống trong thời gian này do yếu tố tiền rẻ không còn nữa. Thị trường đang thiếu vắng các cơ hội đầu tư và cũng cần đáp ứng nhu cầu thanh toán khoản vay, nợ trái phiếu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm