Cổ phiếu châu Âu hấp dẫn nhà đầu tư Mỹ
(Dân trí) - Sự suy yếu của đồng USD cũng đã làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Mỹ. Thế nhưng tại châu Âu, mọi chuyện lại khác.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Citigroup, trong 6 tháng đầu năm nay, có đến ¾ lượng vốn (tương đương khoảng 114,1 tỷ USD) của các nhà đầu tư Mỹ được đầu tư ở các quỹ nước ngoài.
Trong khi các chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ như Dow Jones, S&P 500, Nasdaq đều trong tình trạng giảm sút thì tại châu Âu, ngay từ đầu năm nay, các chỉ số chứng khoán lớn như DAX của Đức, CAC của Pháp, IBEX của Tây Ban Nha và FTSE 100 của Anh đều tăng từ 5-19% tính theo giá trị đồng USD.
Theo các nhà phân tích, triển vọng kinh tế sáng sủa, tăng trưởng về thu nhập khả quan và hoạt động mua bán, sáp nhập công ty sôi động… là những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có các nhà đầu tư từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng có lẽ yếu tố lớn nhất mà các nhà đầu tư Mỹ quyết định đổ tiền vào thị trường chứng khoán châu Âu đó là sự tăng giá của đồng EUR. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đồng EUR đã tăng giá 7,75% so với đồng USD.
Sau 17 lần liên tiếp tăng lãi suất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có thể sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua (4/8) đã nâng mức lãi suất lên 3%. Cả hai động thái này đều cho thấy nguy cơ lạm phát gia tăng ở châu Âu và sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ. Đây cũng là điều khiến các nhà đầu tư ngần ngại.
Đằng sau sự tăng trưởng đi lên của thị trường chứng khoán châu Âu là gì? Trong một chừng mực nào đó, có thể là nhằm đưa cổ phiếu của các công ty châu Âu theo kịp với cổ phiếu của các công ty Mỹ.
Theo các nhà phân tích, các đây 10 năm, chênh lệch lợi nhuận giữa các cổ phiếu của Mỹ và cổ phiếu châu Âu là 30%, nay sự chênh lệch đó đã giảm xuống còn 15%. Đó là nhờ những nỗ lực của các công ty châu Âu trong việc cải tổ và hợp lý hóa sản xuất trong thập kỷ qua đã đem lại lợi nhuận và tăng trưởng cao.
Ngoài ra, hoạt động sáp nhập các công ty tại châu Âu cũng là một yếu tố góp phần tăng giá cổ phiếu. Điều đó cho thấy vấn đề biên giới quốc gia, vốn là vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp, không còn là vấn đề gây trở ngại trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia này.
Không những vậy, xu thế này sẽ khiến các nhà đầu tư chú trọng hơn đến việc thúc đẩy lợi nhuận cũng như giảm thiểu các rủi ro, điều mà các nhà phân tích gọi đó là “cùng phối hợp hành động”. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán châu Âu được các nhà phân tích đánh giá là thị trường chứng khoán tốt nhất thế giới.
Tường Nguyên
Theo Businessweek