Chứng khoán toàn cầu sụt giảm:

Có phản ứng dây chuyền tại Việt Nam?

Thị trường chứng khoán thế giới đang trải qua một làn sóng điều chỉnh mạnh mẽ. Bến nối tiếp của làn sóng này là Việt Nam?

Rời sàn giao dịch sáng nay, nhiều nhà đầu tư giật mình khi thông tin sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán tại nhiều nước trên thế giới, tâm điểm là Trung Quốc và Mỹ, tràn ngập trên các bản tin.

Mối nghi ngại về khả năng bị cuốn theo làn sóng này của thị trường chứng khoán Việt Nam đang nằm trong tính toán của nhiều nhà đầu tư. Một số bản tin đã đặt sự sụt giảm của phiên hôm nay (28/2) vào sự nghi ngại đó.

Chỉ số VN-Index vừa có một mức sụt giảm mạnh sau hai phiên tăng mạnh khai xuân, giảm 29,67 điểm còn 1.137,69 điểm.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, một số chuyên gia đều có chung nhận định rằng sự sụt giảm nói trên của thị trường Việt Nam là diễn biến khá bình thường. Tác động của làn sóng điều chỉnh trên thế giới, hay ảnh hưởng tâm lý, vẫn chưa thể hiện rõ nét.

“Tôi cho rằng ghép phiên giao dịch sáng nay vào nguyên nhân sụt giảm chung từ thị trường Trung Quốc là quá vội vàng. Nếu có tác động thì sẽ có một độ trễ nhất định, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng cập nhật thông tin và chuyển thành hành động nhanh như vậy trong phiên sáng nay”, một chuyên gia nói.

Tuy nhiên, ông cũng không phủ nhận về sự phát triển quá nóng cùng những mức giá quá cao của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, và sự điều chỉnh là “một tất yếu” trong một thời điểm nào đó, có thể trong ngắn hạn.

Một tín hiệu cảnh báo?

Một nhà nghiên cứu chứng khoán thuộc một tổ chức nghiên cứu tài chính của Mỹ (đề nghị không nêu tên) đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên về khả năng có “phản ứng dây chuyền” diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông đang tập trung hoàn thiện bản nghiên cứu so sánh thị trường tài chính Việt Nam và Trung Quốc. Làn sóng nói trên có thể là một tư liệu quý phục vụ cho bản nghiên cứu này.

Ông cho rằng sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên sáng nay đã “phảng phất” sự ảnh hưởng nhất định. “Đó là ảnh hưởng tâm lý. Vì hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang mua bán chủ yếu theo tin đồn; thông tin về sự điều chỉnh mạnh mẽ trên thị trường thế giới sẽ tác động lớn tới tâm lý của họ”, ông nói.

Mặt khác, bong bóng trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã định hình, tác động đó làm giảm kỳ vọng, nên việc giảm giá chứng khoán dù có quy mô lớn hay nhỏ cũng là điều rất bình thường, theo lời ông.

Chuyên gia này đưa ra một điểm đáng chú ý: “Nếu bạn để ý, thị trường chứng khoán Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng. Và khi Trung Quốc áp dụng một chính sách nào đó tại thị trường chứng khoán, rất có thể thời gian sau chính sách tương tự sẽ xuất hiện ở Việt Nam”.

Nhưng thị trường Việt Nam có tính độc lập tương đối không, và tính độc lập đó liệu có khả năng hạn chế “phản ứng dây chuyền”? Chuyên gia này cho rằng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam quá nhỏ bé để có thể nói tới tính độc lập. Ông cũng đưa ra nhận định rằng sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc là một tín hiệu cảnh báo đối với Việt Nam.

Trong khi đó, một nhà đầu tư nước ngoài nhận định với báo chí rằng: “Tôi có cảm tưởng trong thời gian gần đây, cơ quan quản lý thị trường muốn có một sự điều chỉnh cần thiết khi giá chứng khoán tăng quá nóng, nhưng cái khó là không thể dễ dàng can thiệp bằng biện pháp hành chính. Vậy thì nếu có sự phản ứng dây chuyền, dù lớn hay nhỏ đều là một tác động cần thiết cho bối cảnh quá nóng sốt hiện nay”.

Tuy nhiên, khảo sát nhanh của phóng viên cuối phiên giao dịch sáng nay tại một số sàn ở Hà Nội lại cho thấy nhiều nhà đầu tư chưa biết đến làn sóng điều chỉnh đã lan rộng trên thế giới.

Một số nhà đầu tư tin tưởng không khí trong nhà vẫn ấm cúng, dù thời tiết bên ngoài thay đổi mạnh. Và có một điểm là phần lớn nhà đầu tư trên sàn hiện nay chưa biết đến cảnh phá sản hoặc khốn khó vì chứng khoán.

Theo Đăng Long
Vneconomy