Cố phần hoá toàn bộ Tập đoàn Dệt may vào năm 2008.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vừa đồng ý cho phép Tập đoàn Dệt may Việt Nam tìm tài trợ quốc tế tư vấn xây dựng phương án cổ phần hóa (CPH) toàn tập đoàn vào năm 2008.
Làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dệt may, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận xét, mục tiêu phát triển của tập đoàn đã khá rõ, cần có bước đi thích hợp, vừa củng cố, vừa đầu tư phát triển bền vững, đúng hướng.
"Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may và tập đoàn cần tổng kết kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành và của tập đoàn trong những năm qua, đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu hạn chế tốc độ tăng trưởng của toàn ngành và của tập đoàn. Trên cơ sở đó, khẩn trương tổ chức lại sản xuất, tăng cường năng lực điều hành quản lý kinh doanh phù hợp yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", ông nói.
Việc lập phương án xếp hạng cho Công ty May Việt Tiến, Công ty Dệt Phong Phú và Công ty Dệt Hà Nội theo mô hình Tổng Công ty 90 cũng được Phó Thủ tướng chấp thuận.
Ông yêu cầu UBND TP Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM xem xét hỗ trợ mặt bằng để Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư xây dựng 3 Trung tâm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu tập trung.
Ngoài ra, tập đoàn cần nhanh chóng phát triển công nghiệp sản xuất các phụ liệu dệt may và xây dựng chương trình sản xuất vải cho may xuất khẩu mà tập đoàn đóng vai trò nòng cốt thực hiện. Đề án này dự kiến sản xuất 1 tỷ m2 vải, thực hiện từ năm 2006-2010; trong đó, có 500 triệu m2 để phục vụ xuất khẩu, phần còn lại cung ứng cho các đơn vị thành viên.
Theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, mục tiêu của Tập đoàn Dệt may là trở thành một tập đoàn đa sở hữu hàng đầu cả về quy mô sản xuất kinh doanh lẫn sức cạnh tranh sản phẩm trong khu vực châu Á. Đồng thời, xây dựng thương hiệu Vinatex trở thành một thương hiệu đẳng cấp quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu đề ra.
Tập đoàn Dệt may hiện có 3 công ty mẹ - công ty con là Dệt Phong Phú, Dệt may Hà Nội và May Việt Tiến; 7 công ty TNHH Nhà nước một thành viên và 40 công ty cổ phần. Kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Theo H.Phương
VietNamnet