1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có phải các liên doanh xe máy giỏi "lobby"?

Bộ Công nghiệp vừa kiến nghị Chính phủ không hạn chế việc thành lập các công ty sản xuất, lắp ráp xe máy. Liệu có phải các liên doanh xe máy giỏi "lobby" (chạy chính sách) để chiếm giữ thị trường béo bở ở thời điểm tốt nhất, đến nay thị trường gần như bão hoà mới "nhả ra"?

Điều kiện không dễ dàng?

Bên cạnh việc bỏ tỉ lệ khống chế nội địa hoá bắt buộc, có thể nói, các quy định cho sự phôi thai DN sản xuất, lắp ráp xe máy ra đời tại thời điểm này không hề lơi lỏng. Những điểm rất mới và rất chặt trong quyết định này là: DN phải đáp ứng các quy định cụ thể như “xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước phải được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đăng kiểm chất lượng theo quy định của pháp luật”.

Các DN sản xuất, lắp ráp xe máy và động cơ xe máy phải có chứng chỉ hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 phiên bản 2000 cho hệ thống sản xuất, lắp ráp xe máy và động cơ xe.

Ngoài ra, nếu đầu tư lớn cho sản xuất, thì liệu có thu hồi vốn trong 10 năm?

Ông Đinh Quang Tuấn, Giám đốc marketting, Công ty liên doanh Yamaha cho biết, chi phí cho một mẫu xe mới gia nhập thị trường là trên 2-3 triệu USD. Thời gian nghiên cứu thị trường cũng mất ít nhất là 3 năm. Chẳng mấy DN nội địa dám chi ra khoản tiền khổng lồ đó mà chưa biết thắng thua ra sao. Trong khi với những đại gia liên doanh có công ty mẹ khổng lồ, vài triệu USD chẳng thấm vào đâu.

Đầu tư cho sản xuất, lắp ráp xe máy phụ thuộc lớn vào đầu tư, làm chủ công nghệ, mẫu mã. Phải sở hữu một năng lực dồi dào về nghiên cứu, phát triển mẫu mã, trong khi đó các DN nội địa thì hầu như chưa có nhiều kinh nghiệm.

Cho dù quy định có nới lỏng thế nào, thì thị phần của các liên doanh cũng sẽ không bị ảnh hưởng, vì bây giờ quy định có mở ra, thoáng hơn, thì không phải ai cũng làm được. Khó có DN nào có thể qua mặt được các liên doanh. DN nội địa gần như không có cơ hội phát triển nữa.

Thị trường, khách hàng đã thể hiện rõ sự lựa chọn của họ. Trong khi các DN nội địa sống dở chết dở, thì vừa qua, Yamaha cũng mới tăng công suất. Còn Honda cũng không giảm sút doanh số khi các mẫu xe mới liên tục được thị trường chấp nhận, còn các đại lý thường nâng cao giá bán hơn giá niêm yết mà vẫn bán được hàng.

Hiện nay, chỉ có Honda đã xuất khẩu được xe máy, Yamaha xuất khẩu một số chi tiết sang Nhật Bản. Về dự định tương lai, các liên doanh chú trọng chuyên môn hoá. để tận dụng hết công suất dây chuyền.

Một chuyên viên trong lĩnh vực ô tô, xe máy của Bộ Công nghiệp, cho biết, đến thời điểm này cũng chưa nhận được thông tin gì về việc liệu có đại gia sản xuất xe máy nào sẽ gia nhập thị trường nay mai hay không.

Doanh nghiệp nội đầu hàng vô điều kiện?

Ông Minh, Giám đốc Công ty sản xuất lắp ráp xe máy Lý Hồng Kinh, cho rằng, với năng lực nội tại hạn chế, các DN trong nước chỉ biết đứng nhìn. Bằng chứng là hiện tại, trong số 52 DN được cấp phép sản xuất lắp ráp xe máy, nhiều DN có đầu tư lớn cũng còn chỉ tính đến chuyện “thu dọn” sản xuất, rút vốn về.

Theo ông Minh, thị trường xe máy đã sắp bão hoà, cùng lắm chỉ còn vài năm nữa thôi. Mà DN xe máy nội địa thì không còn ăn thua nữa rồi. Các DN đã nản, không muốn đầu tư thêm nữa. Thậm chí có DN rao bán cổ phần, cổ phiếu để thu hồi vốn về.

Ngoài ra, có khá nhiều DN đang nợ thuế nhập khẩu vài trăm tỷ đồng. Có DN nợ đến 700 tỷ. Bây giờ muốn nhập phải qua các công ty con, vì nếu nhập trực tiếp, sẽ bị hải quan thu giữ.

Bây giờ có những chiếc xe máy bán ra chỉ có 3,7 triệu đồng. Chưa tính được cụ thể chi phí, hao hụt, nhưng lỗ tương đối.

Một cựu lãnh đạo của Công ty Sản xuất XNK xe đạp xe máy Hà Nội (Lixeha) thừa nhận thực tế, hiện giờ các công ty chuyên gia công, sản xuất phụ tùng cũng không muốn hợp đồng với các DN xe máy trong nước, do yêu cầu kỹ thuật không giống ai.

Nếu như các liên doanh, yêu cầu phụ tùng có kích cỡ, khuôn mẫu chuẩn và thống nhất, thì không ít DN Việt Nam lại yêu cầu phải nới ra, nới vào để làm các loại xe nhái, nhiều khi DN gia công lại bị phạt.

Ông Đinh Quang Tuấn, cho rằng, bây giờ DN thành lập mới cũng khó lòng tồn tại. Vì chưa có cơ sở sản xuất, đầu tư cho thương hiệu. Ngay các DN nội địa, đã thành lập từ lâu, hơn 50 DN đến nay cũng chỉ còn hơn chục DN tồn tại, sản xuất cầm chừng.

Không đồng tình với nhận định thị trường sắp bão hoà, ông Tuấn dự báo, thị trường còn khai thác được khoảng 10-15 năm nữa. “Ngay cả các nước phát triển hàng trăm năm rồi, họ vẫn phát triển công nghiệp ô tô, xe máy. Vấn đề là họ có thị trường, có thương hiệu và được khách hàng tín nhiệm”.

Các liên doanh giỏi “lobby”?

Dư luận nghi ngờ, liệu có phải các liên doanh xe máy giỏi "lobby" để chiếm giữ thị trường béo bở ở thời điểm tốt nhất, để đến khi thị trường gần như bão hoà, các DN khác mới được vào cuộc? Với điều kiện cũng không dễ dàng gì.

Một số DN sản xuất lắp ráp xe máy trong nước cũng than thở rằng, các liên doanh khi nhập khẩu linh kiện cũng thực hiện thông quan nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, một chuyên viên Bộ Công nghiệp cho rằng, lý do mở cửa cho DN xe máy tại thời điểm hiện nay là chuẩn bị cho hội nhập WTO, có muốn cũng không thể tạm dừng thành lập DN mới được mãi. Còn lý do trước đây tạm dừng một phần là do ngành sản xuất này chưa có một chiến lược phát triển cụ thể, mục tiêu rõ ràng.

Ông Đinh Quang Tuấn khẳng định: "Không có chuyện đó, các DN nước ngoài không thể làm như vậy, vì đó không phải là tính cách của họ".

“Ngay 52 DN trong nước đã được cấp phép, họ không phát triển mạnh lên để khẳng định mình, mà tự mình “chết” thì không thể nói là có sự ưu ái dành cho các liên doanh". Một chuyên gia trong lĩnh vực này nhận xét.

Theo VTC News

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm