1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Có không chuyện tách khẩu, lắp thêm công tơ để giảm tiền điện?

(Dân trí) - Câu chuyện mới được phản ánh trên báo chí, mạng xã hội về khả năng hiện nay, một số hộ dân, vì để tránh tiền điện trả cao theo biểu giá điện bậc thang nên tách khẩu, lắp thêm công tơ. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại không cho rằng có chuyện này.


Việc tách khẩu, tách công tơ trên cùng một địa điểm cư trú là không dễ dàng

Việc tách khẩu, tách công tơ trên cùng một địa điểm cư trú là không dễ dàng

EVN cũng ghi nhận đã có thông tin phản ánh về việc giá bán điện sinh hoạt cho các gia đình có nhiều hộ cùng sinh hoạt chung tại một địa điểm.

Tuy nhiên, theo tập đoàn này, hiện nay, chính sách giá bán lẻ điện sinh hoạt của Việt Nam được Bộ Công Thương quy định tại Điều 10, Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện theo đó mỗi hộ gia đình trong một tháng được áp dụng một định mức sử dụng điện sinh hoạt.

"Theo quy định tại thông tư này, nếu bên mua điện sinh hoạt có nhiều hộ sử dụng điện chung công tơ (có hộ khẩu riêng) thì định mức của hóa đơn tiền điện sẽ bằng định mức của từng bậc thang nhân với số hộ sử dụng chung công tơ. Quy định này nhằm đảm bảo công bằng cho các gia đình có nhiều hộ sinh hoạt chung tại một địa điểm không cần phải lắp đặt nhiều công tơ vẫn được hưởng đầy đủ định mức điện của các bậc thang tương ứng với số hộ sử dụng chung công tơ", đại diện EVN nêu.

Cũng theo EVN, trong quá trình thực hiện chính sách giá điện cho các hộ gia đình sử dụng chung công tơ, trong các năm qua, tập đoàn này đã thực hiện cung cấp dịch vụ “Thay đổi định mức sử dụng điện” được công khai đến tất cả các khách hàng sử dụng điện, cụ thể với nhu cầu thay đổi định mức này khách hàng chỉ cần gửi yêu cầu dịch vụ và cung cấp cho bên điện lực bản sao của một trong các loại giấy tờ: Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú hoặc Xác nhận công an quản lý địa bàn cho các hộ gia đình dùng chung tại địa điểm sử dụng điện.

"Với yêu cầu này, phía Điện lực sẽ thực hiện việc kiểm tra xác minh các thông tin do khách hàng cung cấp và tiến hành ký xác nhận thay đổi trong vòng 3 ngày làm việc", EVN giải thích.

Theo đại diện ngành điện, nếu chiểu theo Điều 2, Thông tư 19/2014/TT-BCT ngày 18/6/2014 của Bộ Công Thương ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định thì tại một địa điểm đăng ký mua điện, khách hàng là một hộ gia đình mua điện sinh hoạt được ký 1 hợp đồng mua bán điện mục đích sinh hoạt” do đó EVN khuyến nghị các hộ gia đình có chung 1 địa điểm sử dụng điện sẽ ký 1 hợp đồng mua bán điện và lắp đặt sử dụng chung 1 công tơ với định mức các bậc thang tương ứng với số hộ dùng chung để tránh lãng phí cho cả Điện lực và Khách hàng do phải lắp đặt thêm công tơ điện.

"Đối với đề nghị của khách hàng cần phải lắp thêm công tơ thì EVN khuyến nghị hệ thống điện sử dụng của hộ gia đình mới cần độc lập với hệ thống điện với hộ gia đình cũ nhằm đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định và thực hiện theo đúng Hợp đồng mua bán điện, trong trường hợp này EVN sẽ triển khai cung cấp dịch vụ cho khách hàng mới như với một khách hàng được cung cấp dịch vụ cấp điện mới", EVN nêu rõ thêm.

Hà Anh

Có không chuyện tách khẩu, lắp thêm công tơ để giảm tiền điện? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm