Cơ hội vực dậy đồng Euro

(Dân trí) - “Đừng bao giờ lãng phí một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đó là cơ hội để thực hiện những điều bạn không thể làm trước đây” - Rahm Emanuel, trưởng nhóm cố vấn của Tổng thống Mỹ Obama, đã phát biểu như vậy trong cuộc khủng hoảng tín dụng 2008.

Cơ hội vực dậy đồng Euro - 1
Cơ hội lấy lại vị thế cho đồng Euro.
 
Giờ đây, khu vực đồng euro và ECB cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của nhóm PIGS: Bồ Đào Nha (Portugal), Ai-len (Ireland), Hy Lạp (Greece) và Tây Ban Nha (Spain). Đôi lúc Italia cũng được cho vào danh sách trên, nhưng tình trạng tài chính của nước này có vẻ tốt hơn đôi chút.

Thị trường trái phiếu đã trừng phạt Hy Lạp tơi tả vì để thâm hụt ngân sách lên đến 12,7% GDP và bây giờ sẽ đến lượt các quốc gia nợ nần chồng chất khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Còn thị trường tiền tệ và cổ phiếu đang hồi hộp theo dõi ngân hàng trung ương tìm kiếm một giải pháp bền vững.

Đó chắc chắn là một cuộc khủng hoảng. Nhưng có lẽ ECB nên xem nó như một cơ hội.

Từ khi đồng euro ra đời mười năm trước, trách nhiệm tài chính của các quốc gia đã ít nhiều bị lẫn lộn. Và bây giờ chính là cơ hội để khắc phục nhược điểm đó.

Tận dụng thành công cuộc khủng hoảng, euro có thể trở thành đồng tiền thống trị trên thế giới. Nhưng nếu thất bại thì có lẽ nơi duy nhất bạn có thể tìm được tiền euro vào năm 2030 là cửa hàng lưu niệm của Ebay.

Vấn đề của PIGS rất đơn giản: từ khi sử dụng đồng euro, họ “tích cực” vay vốn bằng một đồng tiền mạnh hơn nhiều so với bản tệ trước kia và chi phí vay thấp hơn đáng kể. Bây giờ những hóa đơn nợ đó đã đến hạn phải trả.

Có 2 biện pháp để tự giải quyết vấn đề này: Chính phủ các nước PIGS thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng và đẩy nền kinh tế vào suy thoái nghiêm trọng, hoặc họ phải ra khỏi liên minh tiền tệ châu Âu và phát hành đồng tiền mới. Dù chọn cách thức nào thì tương lai của những đất nước này cũng hết sức u ám.

Tuy nhiên, vẫn còn một kế hoạch 3 bước có thể khống chế cuộc khủng hoảng và tăng sức mạnh cho đồng euro trong dài hạn. Dưới đây là những gì ECB cần làm dưới sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực:

Bước 1: Không nên cứu trợ tài chính trực tiếp

Có một quan niệm phổ biến trên thị trường rằng cho các nước PIGS vay cũng tương tự như là cho Mỹ hoặc Nhật Bản vay. Bởi dù kết cục có xấu đến thế nào đi nữa thì ngân hàng trung ương sẽ luôn ra tay giải cứu bằng cách in thêm tiền. Đó là một sai lầm lớn.

Nếu cho Hy Lạp hay Bồ Đào Nha vay tiền, bạn cần cẩn thận xem xét nền kinh tế của họ và xác định xem liệu trái phiếu có thể được trả đúng hạn hay không cũng như khi bạn dự định đầu tư vào trái phiếu của Volkswagen hay BP.

Các doanh nghiệp hiếm khi nhận được sự cứu trợ của ngân hàng trung ương, và ngân hàng cũng không đời nào chịu phá giá tiền để làm điều đó. Tình huống giữa các nước PIGS và ECB cũng tương tự như vậy.

Đã đến lúc thị trường trái phiếu của các quốc gia trong khu vực đồng euro cần phải vận hành giống như thị trường trái phiếu công ty - mỗi nhà phát hành phải được đánh giá dựa trên uy tín của chính họ.

Bước 2: Sắp xếp một vụ vỡ nợ có trật tự

PIGS gần như không có khả năng thanh toán gánh nặng nợ nần quá lớn: thâm hụt ngân sách 2009 của Bồ Đào Nha là 9,3% GDP, của Ai-len là 11,7% và Tây Ban Nha 11,4%.

Nếu như chính phủ giảm chi tiêu quá mạnh, nền kinh tế sẽ lao dốc rất nhanh, kéo theo doanh thu thuế sụt giảm mạnh và khả năng trả nợ càng mong manh hơn. Cứ thế, họ sẽ rơi vào một cái vòng luẩn quẩn.

Phải chấp nhận nhiều đau đớn nếu muốn cắt bỏ khối ung nhọt này và không có lý do gì các nhà đầu tư lại không chia sẻ điều đó với những chính phủ mà họ đang nắm giữ trái phiếu.

Trên thế giới, các công ty thường xuyên vỡ nợ trái phiếu và các quốc gia cũng có thể làm như vậy.

Nhóm PIGS nên tuyên bố tái cấu trúc nợ dưới sự hương dẫn của ECB: thông báo hoãn trả lãi tạm thời và đề nghị trái chủ chấp nhận chỉ lấy lại 50% tiền - giống như các doanh nghiệp thường làm khi gặp khó khăn. Chỉ cần mọi việc diễn ra theo trình tự thì mọi chuyện vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát.

Bước 3: Tạo ra một “IMF nhỏ”

Trên thế giới, khi một quốc gia gặp khó khăn về tài chính thì ngay lập tức IMF được nhờ tới. Quỹ tiền tệ quốc tế sẽ thiết lập gói cứu trợ và kiểm soát chính sách kinh tế của nước đó một cách hữu hiệu trong khi thực hiện sứ mạng giải cứu.

ECB cũng cần làm điều tương tự như vậy, bởi khi Hy Lạp hay Bồ Đào Nha vỡ nợ trái phiếu thì khó có thể huy động vốn.

Trong hoàn cảnh đó, ECB nên cung cấp khoản vay tạm thời để giúp các quốc gia này vượt qua khủng hoảng, đổi lại ECB sẽ được quyền áp dụng một số cải cách kinh tế khẩn cấp để thúc đẩy tăng trưởng.

Hoạt động của IMF đã chứng minh rằng, một tổ chức ngoài cuộc có thể tiến hành những cải cách quyết liệt dễ dàng hơn là các chính trị gia được bầu trong nước.

Kể từ khi đồng euro chào đời năm 1999, có hai vấn đề vẫn tồn tại: liệu các quốc gia thành viên có buộc phải cứu trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn hay không và cơ quan trung ương của khối có được quyết định chính sách kinh tế của thành viên hay không.

Những câu hỏi này nên được trả lời rõ ràng thông qua cuộc khủng hoảng của nhóm PIGS. Và như thế đồng tiền chung châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Hoàng Sơn
Theo Bloomberg