1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cơ hội Hiệp định TPP 11: Đã có tín hiệu "tích cực" tại APEC

(Dân trí) - Một số chuyên gia cho biết, cho tới thời điểm hiện tại đã có những tín hiệu rất tích cực cho thấy 11 nước thành viên TPP còn lại đã thu hẹp khác biệt, mở ra triển vọng đột phá trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Giới chuyên gia kỳ vọng TPP 11 sẽ có triển vọng đột phá trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.
Giới chuyên gia kỳ vọng TPP 11 sẽ có triển vọng đột phá trong Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam chiều 7/11, trả lời câu hỏi “đến thời điểm này đã nói được gì tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay chưa”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: "Tới thời điểm này theo tôi được biết thì tinh thần "khá tích cực".

Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết: "Còn tích cực đến mức nào thì phải chờ phiên họp và tuyên bố của các lãnh đạo TPP - 11 (trừ Mỹ) sau Tuần lễ Cấp cao APEC này".

"Cá nhân tôi rất mong muốn điều tích cực thể hiện ở 2 điểm: thứ nhất là đóng băng tạm thời một số cam kết, điều khoản ở mức tối thiểu, làm sao để nó giữ được tinh thần hiệp định chất lượng cao gắn với cải cách thể chế hướng tới cách thức kinh doanh đầu tư thế hệ mới. Thứ 2 mong mỏi là sẽ vạch ra được rõ lộ trình đàm phán để đi đến thoả thuận và đưa TPP vào thực hiện trong thời gian ngắn nhất", ông Thành cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, đã có những tín hiệu rất tích cực cho thấy 11 nước thành viên TPP còn lại đã thu hẹp khác biệt, mở ra triển vọng đột phá trong Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng.

Ông Lộc cho biết, APEC diễn ra khi chủ nghĩa bảo hộ đang trở lại, nước Mỹ cũng đang tìm kiếm cách tiếp cận mới với các vấn đề toàn cầu và định hình lại vị thế dẫn dắt của mình, trong khi vai trò của Trung Quốc đang nổi lên. Bất bình đẳng gia tăng là mối đe dọa tới sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, tạo áp lực cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Chủ nghĩa bảo hộ cũng là một lựa chọn, là quyền của các quốc gia khi xử lý các vấn đề của mình.

APEC lần này sẽ là một cơ hội lớn tiếp theo cho Việt Nam khi nước chủ nhà có thể gợi mở và dẫn dắt các thảo luận, định hướng các nội dung. "Vấn đề là, những thảo luận tại Tuần lễ Cấp cao APEC lần này có thuyết phục được rằng các quốc gia và mọi cá nhân đều có thể cùng thắng trong hội nhập, trong toàn cầu hóa?” - ông Lộc chỉ ra vấn đề .

"Việt Nam là quốc gia đã tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tức là chủ động tham gia vào việc định hình “luật chơi” trong quan hệ quốc tế", ông nói.

Cũng trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị sáng nay, ông Đặng Thành Tâm -Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (Saigon Invest Group), thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (ABAC) chia sẻ: "Điều mà nhiều doanh nhân và người dân trong khu vực quan tâm lúc này chính là câu chuyện tương lai TPP. Vấn đề cốt lõi của APEC vẫn là tự do, thuận lợi hóa thương mại".

Liên quan tới số phận của Hiệp định này, một bài viết trên Bloomberg cũng trong hôm nay (7/11) đưa ra nhận định, TPP hoàn toàn có thể thành hiện thực mà không có Mỹ và sự thật là nên như vậy.

Theo những điều khoản ban đầu, TPP chỉ có hiệu lực khi các nước tham gia chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn khu vực. Điều này đồng nghĩa với việc TPP chỉ thành hình nếu có sự tham gia của Mỹ bởi quốc gia này chiếm tới hơn 15%.

"TPP không phải là không có khả năng đạt được. Gần đây, các nhà đàm phán đã thu hẹp sự khác biệt giữa các quốc gia và kỳ vọng sẽ đạt được thoả thuận trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra vào tuần này", bài viết trên Bloomberg nhận định.

Hiện tại, bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng, các trưởng đoàn của 11 thành viên TPP đang họp kín nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp bộ trưởng mang tính quyết định sắp tới cũng tại thành phố này. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn.

Trước đó, trao đổi với báo chí về Tuần lễ Cấp cao APEC sáng 2/11, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC 2017 Bùi Thanh Sơn cho biết: "TPP sẽ hướng tới có hội nghị cấp bộ trưởng và hội nghị cấp cao tại Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng".

Về triển vọng đạt được một thỏa thuận đột phá cho TPP 11 ở Hội nghị cấp cao APEC 2017, tại thời điểm đó, Thứ trưởng nhấn mạnh "trong khuôn khổ APEC, các cơ chế hợp tác và liên kết khu vực trong đó có TPP đã hình thành trên cơ sở tự nguyện, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau. Các cam kết trong khuôn khổ này cũng được xây dựng trên tinh thần đó".

"Đối với Việt Nam, chúng tôi cũng đang cùng các nước thành viên thúc đẩy cơ chế hợp tác trong TPP. Việt Nam sẽ đóng góp tích cực cùng các thành viên trong TPP để có kết quả tích cực nhất, đáp ứng được lợi ích của các thành viên trong TPP", ông Bùi Thanh Sơn khẳng định.

TPP 11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút lui vào đầu năm nay khi ông Donald Trump lên nhậm chức. Rút khỏi TPP là một trong những cam kết tranh cử của ông Trump và là một trong những lời hứa hiếm hoi ông thực hiện được sau đắc cử.

Tuyên bố của các Bộ trưởng 11 nước thành viên APEC hồi tháng 5 tại Hà Nội bên lề SOM 2 APEC nhấn mạnh việc tiếp tục thúc đẩy hiện thực hóa TPP. Đến nay, với 4 vòng đàm phán tiếp theo, tinh thần chung là các nước đều muốn có một thỏa thuận thực hiện TPP cùng với một danh mục tạm hoãn.

Phương Dung

Cơ hội Hiệp định TPP 11: Đã có tín hiệu "tích cực" tại APEC - 2

Dòng sự kiện: APEC 2017