1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cô gái Việt đồng sáng lập công ty biến vỏ tôm thành vải da

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Một số trang phục làm từ vỏ tôm của Uyên Trần đã xuất hiện trên sàn diễn của tuần lễ thời trang London và New York.

Bên trong phòng thí nghiệm rộng 370m2 ở trung tâm Brooklyn Navy Yard (Mỹ), một nhóm nhà khoa học đang trình bày cách biến vỏ tôm thành vải may mặc.

Tất cả bắt đầu bằng việc trộn chitosan - thành phần sinh hóa dạng bột màu trắng được chiết xuất từ vỏ sò với nước và axit hữu cơ. Khi tất cả hòa tan, họ thêm một hỗn hợp bí mật rồi đổ vào khuôn và đặt trong lò để làm bay hơi nước thừa. Vài giờ sau, họ lấy ra sản phẩm cuối cùng là một mảnh vải có kích thước ngang một chiếc laptop.

Vật liệu có thể phân hủy

Uyên Trần (30 tuổi) là người đồng sáng lập của TômTex - công ty mới thành lập cách đây 2 năm, chuyên sản xuất hàng dệt may từ vỏ tôm, phần thừa của nấm và các vật liệu sinh học khác.

Cái tên TômTex là sự kết hợp của "tôm" trong "con tôm" và "tex" trong "textile" (dệt may). Công ty đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất da có thể phân hủy sinh học lên hơn 9.200m2 trong năm nay, đủ để làm ra khoảng 2.000 chiếc áo khoác da. Hiện tại, công ty chủ yếu sản xuất mẫu vải và thiết kế theo yêu cầu của khách hàng trong ngành thời trang.

Khi thương hiệu quần áo nữ Di Petsa của Anh trình diễn tại Tuần lễ thời trang London trong tháng này, vật liệu sinh học từ vỏ tôm của TômTex đã được giới thiệu. Đó là một thiết kế váy dài.

Cô gái Việt đồng sáng lập công ty biến vỏ tôm thành vải da - 1

Sản phẩm vải da của TômTex (Ảnh: TômTex).

Theo Bloomberg, quần áo có tác động đáng kể đến môi trường: Polyester và nylon là "xương sống" của hàng dệt may ngày nay nhưng cũng là nguồn ô nhiễm chính. Trên toàn cầu, các nhà sản xuất hàng may mặc thải ra nhiều khí nhà kính hơn cả ngành hàng không và vận chuyển cộng lại. 

Đáp lại chỉ trích từ người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách, ngày càng nhiều startup đang phát triển các vật liệu bắt chước kiểu dáng, cảm giác và độ bền của hàng dệt may truyền thống mà không có tác động tiêu cực của chất liệu tổng hợp.

MycoWorks và Bolt Threads là hai startup của Mỹ đang sản xuất vải giống như da bằng rễ nấm. Trong khi đó, Mi Terro biến sữa hỏng thành áo phông, Vollebak sản xuất áo phông dệt từ cây gai dầu và nhuộm màu bằng tảo. Ngay cả các nhà bán lẻ lớn cũng quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ, H&M đang cấp vốn cho các startup phát triển hàng dệt may làm từ những nguồn độc đáo như bã gỗ.

Mô hình của TômTex nhằm mục đích giải quyết 2 vấn đề cùng một lúc: Tìm nguyên liệu có thể phân hủy sinh học và tái chế rác thải biển. Năm 2021, sản lượng tôm toàn cầu vượt 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 50% so với năm 2015. Trong đó, vỏ tôm được loại bỏ dưới dạng phụ phẩm chế biến. Việc sử dụng nguyên liệu này trong sản xuất dệt may hầu như chưa từng tồn tại.

Ước tính, sản xuất 1m2 da tôm của TômTex thải ra khoảng 14kg carbon dioxide, thấp hơn so với lượng khí thải carbon của da tổng hợp và ít hơn 15% so với sản xuất da từ bò.

TômTex cho biết không giống như các vật liệu tổng hợp phải mất hàng chục năm, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ để phân hủy tại các bãi chôn lấp, vật liệu sinh học của công ty có thể được dùng làm phân trộn.

Đồng sáng lập TômTex

Uyên Trần sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Cô luôn bị thu hút bởi những thiết kế trang phục đẹp. Năm 2012, cô chuyển đến Mỹ để lấy bằng cử nhân Thiết kế thời trang tại Academy of Art University ở San Francisco. Sau đó, cô đầu quân cho những thương hiệu thời trang có tiếng như Ralph Lauren và Alexander Wang.

Uyên Trần cho biết cô nhận thấy một số mặt tối của thời trang: Khoảng 100 tỷ mặt hàng quần áo được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm, các loại vải có thể phân hủy sinh học vẫn khan hiếm và đắt đỏ, rất ít sản phẩm may mặc mới được hoặc có thể tái chế.

Khi bắt đầu học cao học ngành dệt may năm 2019, cô bắt đầu thử nghiệm các loại vải làm từ tảo rồi chuyển sang da làm từ rễ nấm và vỏ tôm.

Năm 2020, Uyên Trần đồng sáng lập TômTex với Atom Nguyen, một người gốc Việt khác từng làm việc tại Gap với tư cách là chuyên gia marketing. Họ gặp Ross McBee - khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ sinh học tại Đại học Columbia, tại một vườn ươm khởi nghiệp. Anh tham gia với tư cách là người đồng sáng lập thứ ba sau khi tốt nghiệp vào năm 2022. Đến nay, TômTex đã huy động được gần 2 triệu USD.

Cô gái Việt đồng sáng lập công ty biến vỏ tôm thành vải da - 2

Người mẫu mặc thiết kế của TômTex tại Tuần lễ thời trang New York (Ảnh: TômTex).

Vải của TômTex có giá tương đương với da động vật cao cấp và đắt hơn 40% so với các sản phẩm tổng hợp. Hang Liu - Phó giáo sư tại Đại học Bang Washington, chuyên về kỹ thuật vật liệu cho hàng dệt may, nhận định đây là một trở ngại lớn đối với hầu hết những nhà sản xuất như TômTex.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để họ chứng minh chất lượng sản phẩm đáng với giá thành. Theo McBee, khi phun nước lên miếng da của TômTex, nó sẽ khô trong vòng một giây. McBee cho biết sản phẩm này "gần như đã sẵn sàng về mặt thương mại".

Thời điểm này, một số hạn chế như khan hiếm nguyên liệu và giá thành cao khiến hàng dệt may thay thế trở thành mục tiêu được săn đón của thời trang cao cấp. Năm ngoái, TômTex đã hợp tác với nhà thiết kế Peter Do (New York) để chế tạo trang phục từ da tôm. Cả hai thiết kế đều xuất hiện trên sàn diễn tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng 9.

"Đây là một loại vật liệu mới chứ không phải là một sự thay thế", Uyên Trần chia sẻ.