Có "đục nước béo cò" trong tái cấu trúc kinh tế?

(Dân trí) - “Bị nghẽn từ hệ thống dòng vốn của nền kinh tế giống như hệ tuần hoàn mạch máu có cục máu đông nằm trong động mạch, tĩnh mạch. Dường như trong quá trình sắp xếp tái cấu trúc có một nhóm lợi ích nào đó "đục nước béo cò", đại biểu Trần Du Lịch nói.

Thảo luận về tình hình kinh tế tại hội trường hôm 7/6, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng doanh nghiệp nhà và vừa còn hạn chế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại biểu Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại biểu Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Theo dự báo năm 2012 sẽ có khoảng 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản. Riêng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tính đến thời điểm 31/5 vừa qua có khoảng 847/2118 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn đến ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ gần 40%. Đây là hiện tượng bất thường, nhưng con số này vẫn tiếp tục gia tăng, chủ yếu ở những doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng.

Đại biểu Sơn đánh giá, khó khăn của doanh nghiệp chủ yếu do những tác động của chính sách điều tiết về giá cả và tiền tệ. “Theo tôi, trong thời điểm hiện nay để phát triển kinh tế, chúng ta cần chấp nhận một tỷ lệ lạm phát hợp lý. Nhiều cử tri cho rằng giải pháp hỗ trợ 29.000 tỷ đồng và việc lùi thời hạn nộp đối với một số loại thuế, phí và các khoản thu nộp ngân sách của doanh nghiệp là chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp”, đại biểu Sơn nói.

Còn theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), việc sử dụng những biện pháp mạnh cho việc thắt chặt tiền tệ đã dẫn đến khó khăn cho nền kinh tế, khó khăn cho doanh nghiệp. Dư nợ tín dụng, nếu trừ khối lượng các ngân hàng thương mại mua trái phiếu Chính phủ là âm 0,83%. Vị đại biểu này bày tỏ ý kiến: “Chính vì quy mô tín dụng giả, cung về tín dụng giả dẫn đến lãi suất tăng và khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị cần phải theo dõi sát thị trường để điều hành chính sách tiền tệ cho phù hợp, khắc phục tình trạng chúng ta thắt quá chặt rồi nới quá nhanh dẫn đến tình trạng lạm phát có nguy cơ quay trở lại làm mất ổn định kinh tế vĩ mô”.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại biểu Sơn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu những giải pháp cứu doanh nghiệp bằng các hình thức như tiếp tục hoãn, giãn, miễn, giảm thuế, có giải pháp kích cầu tiêu thụ hàng hóa. Ông Sơn cũng đề nghị ngân hàng có lộ trình giảm lãi suất vay xuống dưới 10%/ năm để doanh nghiệp trong nước có khả năng cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực; cơ cấu lại các khoản nợ xấu khó đòi, điều chỉnh lại tiêu chí, điều kiện để vay vốn…

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lại đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, thanh tra chặt chẽ việc thành lập doanh nghiệp, đánh giá cụ thể các doanh nghiệp giải thể, phá sản, có bao nhiêu % khó khăn do cơ chế, do nguyên nhân khách quan để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp. Tình trạng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đầu tư ra ngoài ngành không hiệu quả cũng cần phải cấm dứt.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) viện dẫn ví von của cử tri cho rằng: “Ngân hàng trong nền kinh tế cũng như lá gan trong cơ thể người, khi gan bị viêm, bị xơ, cơ thể sẽ suy yếu. Cho nên không thể để ngân hàng bị viêm hay xơ, để cơ thể là nền kinh tế không bệnh tật”.

Theo đại biểu này, “thuốc đặc trị cho ngân hàng chính là sự minh bạch và công tâm. Chỉ có minh bạch và công tâm mới giúp cho ngân hàng thực sự chuyển đổi cơ cấu thành công mà không bị chồng chéo chi phối của các nhóm lợi ích liên quan. Tôi đề nghị Chính phủ và tất cả các cơ quan có chức năng cần giám sát kiểm tra hoạt động của ngân hàng, cần xem việc tái cơ cấu ngân hàng là trọng tâm của toàn bộ tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế”.

Cùng đề cập tới lợi ích nhóm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích: “Về chính sách tiền tệ, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5%, tín dụng tăng 15 - 17%, tôi nghĩ tới thời điểm này vẫn còn âm thì không thể tăng được. Tôi giả định ngân hàng Trung ương làm sao tăng tín dụng 12% thôi, thì từ nay đến cuối năm mỗi tháng bơm ra thị trường 50.000 tỷ. Vấn đề đặt ra nếu cộng cả ngân sách, cộng cả tín dụng, mỗi tháng hơn 70.000 tỷ bơm thị trường, nền kinh tế không hấp thụ được”.

Vậy, chỗ nghẽn hiện nay là nền kinh tế không hấp thụ được, bị nghẽn từ hệ thống dòng vốn của nền kinh tế giống như hệ tuần hoàn mạch máu có cục máu đông nằm trong động mạch, tĩnh mạch. Cục máu đông đó là nợ xấu ngân hàng, nếu không làm xẹp đi cục máu đông này, nền kinh tế không hấp thụ được.

Đại biểu Trần Du Lịch (ảnh: Việt Hưng).
Đại biểu Trần Du Lịch (ảnh: Việt Hưng).

Như vậy, theo đại biểu Lịch, “nhưng dường như trong quá trình sắp xếp tái cấu trúc có một nhóm lợi ích nào đó phải chăng là thừa "đục nước béo cò"? Vì lợi ích quốc gia, tôi kiến nghị phải giải quyết một cách dứt khoát, vấn đề là đừng để ai làm "đục nước béo cò" trong vấn đề tổ chức lại thị trường này mới giải quyết được cục máu đông”.

Nguyễn Hiền