1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

CNBC: Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực, đánh bại cả Mỹ, châu Âu

(Dân trí) - Chỉ số VN-Index của Việt Nam và Taiex của Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng hơn 20% trong nửa đầu năm nay, đánh bại cả S&P 500 của Mỹ và Stoxx 600 của châu Âu.

VN-Index của Việt Nam tăng 27,6% trong 6 tháng đầu năm nay và là chỉ số tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đứng thứ hai là chỉ số Taiex của Đài Loan (Trung Quốc) với mức tăng 20,5%, theo tính toán của CNBC.

Cả hai chỉ số này đều tăng mạnh hơn S&P 500 của Mỹ với mức tăng là 14,4% và Stoxx 600 của châu Âu với 13,5% trong cùng kỳ.

Chỉ số tăng mạnh thứ 3 là Kospi của Hàn Quốc với 14,73%. Nifty 50 của Ấn Độ (tăng 12,44%) và S&P/ASX 200 (tăng 11,02%) của Australia lần lượt xếp ở hai vị trí tiếp theo trong tốp 5 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất khu vực.

CNBC: Chứng khoán Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực, đánh bại cả Mỹ, châu Âu - 1

Chú thích ảnh: Chứng khoán Việt tăng mạnh nhất khu vực, đánh bại cả Mỹ và châu Âu (Ảnh: Reuters).

Tại Trung Quốc đại lục, Shenzhen Component - chỉ số tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2020 - cũng tăng 4,78% trong nửa đầu năm nay.

Ở chiều ngược lại, FTSE Bursa Malaysia KLCI Index của Malaysia là chỉ số giảm mạnh nhất khu vực với mức giảm là 5,8%. PSE Composite Index của Philippines cũng giảm 3,33%. Hai thị trường chứng khoán này giảm mạnh do đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở khu vực Đông Nam Á, trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin vẫn tương đối thấp.

Đề cập đến triển vọng kinh tế, ông Alex Wolf - Giám đốc chiến lược đầu tư tại thị trường châu Á của JPMorgan Private Bank - cho rằng châu Á nhìn chung sẽ duy trì đà phục hồi khỏe mạnh. "Đối với giới đầu tư, lợi nhuận sẽ có nhiều phân hóa. Tiến độ tiêm chủng, động lực tăng trưởng và chính sách ở mỗi quốc gia trong khu vực có sự khác biệt nên giới đầu tư cần đầu tư một cách có chọn lọc và chủ động", ông Wolf nói.

Ông nhấn mạnh 3 yếu tố mà giới đầu tư nên theo dõi trong nửa sau của năm 2021, đó là đà phục hồi của Trung Quốc, tiến độ tiêm chủng vắc xin và xuất khẩu, đặc biệt với chất bán dẫn.

"Chúng tôi vẫn ưa thích cổ phiếu ở khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc) vì họ có một số thuận lợi về số hóa và nhu cầu bán dẫn. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin tăng lên, đà phục hồi sẽ lan sang khu vực Nam và Đông Nam Á, từ đó thị trường tiền tệ và chứng khoán sẽ được hỗ trợ lớn".