CIC với tham vọng dẫn dắt ngành hàng ca cao Việt Nam
Để ngành ca cao có thể phát triển lớn mạnh, bền vững, cần tư duy mới và hướng đi mới. Trong đó việc lựa chọn địa bàn phù hợp, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân là các yếu tố then chốt.
Lợi thế của ca cao Việt Nam
Trong hơn 10 năm qua, tiêu thụ ca cao thế giới tăng đều đặn, đặc biệt như Ấn độ và Brazil tăng hơn gấp đôi và Trung Quốc là gấp ba lần, trong khi nguồn cung ca cao đang không đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, tổng sản lượng ca cao toàn thế giới đạt hơn 4 triệu tấn và theo dự báo, đến năm 2020, thế giới sẽ thiếu 1 triệu tấn ca cao nguyên liệu.
Do nhu cầu tăng cao và sự thiếu hụt về nguồn cung đã đẩy giá bán ca cao tăng mạnh. Số liệu của ICCO cho thấy, giá bán ca cao trong năm 2014 tăng 25%, năm 2015 tiếp tục tăng cao, với mức giá hơn 3.355 USD/tấn (tháng 7-2015). Theo thống kê, trong thời gian qua, ca cao hiện là một trong số ít những hàng hóa nông sản duy trì mức giá cao ổn định, trong khi hầu hết các hàng hóa nông sản khác đều ở chu kỳ giảm giá.
Công ty Cổ phần Cacao Intercontinental (CIC) được ra đời nhằm nắm bắt những cơ hội tiềm tàng của ca cao Việt. Ông Đinh Hải Lâm - Chủ tịch CIC cho biết, chất lượng của ca cao Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, vì thế Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để đầu tư sản xuất, gia tăng sản lượng ca cao phục vụ cho xuất khẩu. Là quốc gia duy nhất ở châu Á xuất khẩu hạt ca cao lên men, Việt Nam có vị thế chiến lược để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men chất lượng cao cho các nhà sản xuất sô cô la, đặc biệt là đối với các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế mới nổi Trung Quốc, Ấn độ, Indonesia.
Vai trò đầu tàu của doanh nghiệp – Sự tiên phong của CIC
Là người có hơn 10 năm gắn bó với cây ca cao, ông Lâm cho rằng 2 vấn đề cốt lõi nhất để phát triển bền vững cây ca cao chính là việc áp dụng đúng và đầy đủ gói năng suất (giống, phân bón, kỹ thuật…) và phải có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò dẫn dắt.
Thời gian qua, có nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào cây ca cao nhưng ngoại trừ một số đơn vị như Mars, Cargill, Puratos Grand Place có hỗ trợ đào tạo nông dân, còn lại hầu hết đều dừng lại ở việc chạy lòng vòng thu mua hạt nên vẫn chưa thật sự hiệu quả. Ở nhiều khu vực, nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận tới kỹ thuật, phân bón, vật tư chuyên dùng cho ca cao và bán sản phẩm. Điều này làm cho nông dân e ngại trồng ca cao và dẫn đến hạn chế trong việc mở rộng diện tích trồng mới.
Trong khi đó, các ngành hàng khác như cao su, cà phê, chè, mía đường, tinh bột mỳ…. đều được phát triển thông qua sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp để hình thành nên các nông trường, đồn điền làm nền tảng và động lực cho các nông hộ nhỏ làm theo. CIC hy vọng ngành ca cao Việt Nam sẽ phát triển bền vững với mô hình này.
Hiện CIC là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đầu tư vào mô hình đồn điền ca cao ứng dụng công nghệ cao để hình thành nên các nông trường. Với mô hình nông trường làm hạt nhân, các nông hộ nhỏ lẻ trong khu vực làm vệ tinh, nông dân sẽ được tiếp cận kỹ thuật, vật tư đầu vào, đảm bảo bao tiêu đầu ra, xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân để sản xuất ca cao hàng hóa theo chuỗi liên kết trên.
Với quan điểm, nếu doanh nghiệp xây dựng được mối quan hệ tốt với nông dân dựa trên nguyên tắc chia sẻ lợi ích lâu dài, cùng hỗ trợ nhau phát triển thì người nông dân sẽ gắn bó với doanh nghiệp. Theo ông Lâm, giữ được sự gắn bó của người dân thông qua các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và mua sản phẩm của họ với mức giá cạnh tranh sẽ là chìa khóa để giúp cho mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân bền vững theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. CIC sẽ nỗ lực mang tới các giải pháp tổng thể cho người trồng ca cao và CIC mong muốn mô hình này sẽ trở nên phổ biến để thông qua đó, các chính sách phát triển ca cao của nhà nước được triển khai hiệu quả tới người nông dân.
Chất lượng của ca cao Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới
Nói về mô hình hạt nhân và vệ tinh, ông Lâm đưa ra bài toán, nếu sở hữu 1.000ha ca cao cũng chỉ là công ty quy mô 2.000 tấn/năm, nhưng nếu liên kết được với nông dân để phát triển thành 10.000ha, lúc đó sẽ là công ty quy mô 20.000 tấn/năm. Đây chính là sự chia sẻ về lợi ích để cùng lớn mạnh và bền vững.
CIC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ thiết lập 02 nông trường ca cao tại tỉnh Đắk Lắk với tổng diện tích khoảng 2.000 ha do CIC sở hữu và mở rộng trồng ca cao tới khoảng 10.000 nông hộ sinh sống xung quanh các nông trường.
Để phát triển một ngành hàng mới, đặc biệt là ngành hàng nông sản thì cần sự tham gia tích cực từ nhiều đối tác. Trong đó, nhà nước có vai trò kiến tạo (enabler) như quy hoạch, xây dựng chính sách, phân bổ nguồn lực để thực hiện các chính sách; doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt, định hướng chất lượng, chuyển giao kỹ thuật, kết nối thị trường; và người nông dân là đối tượng trực tiếp làm ra hạt ca cao. Sự thành công của mô hình này sẽ là tiền đề để cho các doanh nghiệp khác làm theo và cùng nhau đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu ca cao chất lượng cao, bền vững, xứng đáng với vị trí mà nhiều tập đoàn nước ngoài kỳ vọng.
PV