Chuyện về những nữ chiến binh ở tuyến đầu tại Viettel

Trường Thịnh

(Dân trí) - "Trung hậu đảm đang - giỏi việc nước, đảm việc nhà" là lời khen ngợi vẫn dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trong giai đoạn Covid-19 hoành hành dữ dội, phẩm chất đó càng thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

Và đây là những minh chứng từ các nữ chiến binh ở tuyến đầu của Tập đoàn Viettel.

"May quá, chợ lưu động của Viettel đến"

Tại tâm dịch Bình Dương với hàng nghìn ca dương tính Covid-19 mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt - một nhân viên văn phòng mảng thương mại điện tử tại chi nhánh Bưu chính Viettel Bình Dương bỗng trở thành "dân xe thồ", chở hàng hóa thiết yếu, thực phẩm cho người dân khi giãn cách. Hàng ngày, chị cùng đồng nghiệp đưa xe hàng xuống các phường xã cách thành phố Thủ Dầu Một khoảng chục km đến vài ba chục km.

Chuyện về những nữ chiến binh ở tuyến đầu tại Viettel - 1
Là người cầu toàn, chị Nguyệt hay theo xe ô tô trực tiếp đi lấy hàng, tránh trường hợp giao hàng không đủ.

Ít nhân sự, có hôm 5 người phải chia 2 xe đi 2 mũi. Do mùa dịch không thể lưu thông từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, xe phải đi đường tắt. Gặp hôm trời mưa, đường đất nhão nhoẹt, lúc trơn trượt tưởng muốn lật xe.

"Hàng chất đầy xe nhưng chỉ 1-2 tiếng là hết sạch đồ, có người tới sau không mua được hàng phải đi về, nhìn họ thật tội. Có xã, bà con bảo "may quá, chợ lưu động của Viettel đến nên cả tháng bà con ở xã mới có đồ ăn tươi". Nhiều người tiếc rẻ nhắn "con ơi bữa sau ghé lại nhé, người dân thiếu đồ lắm" - chị Bích Nguyệt kể lại trong sự xúc động.

Từ những chi tiết nho nhỏ như vậy, nữ nhân viên văn phòng quên hết mọi vất vả, nguy hiểm vì thấy mình giúp đỡ được cho người dân trong mùa dịch.

Không chỉ vậy, là một người cầu toàn, chị Nguyệt hay theo xe ô tô trực tiếp đi lấy hàng, tránh trường hợp giao hàng không đủ cho khách đặt. "Thiếu rau, mình có thể nhờ vườn nhổ thêm cho đủ ở các vườn khác thì tôi mới về, bổ sung ngay được lúc đó. Mình tự đi thì mệt hơn nhưng theo ý mình được" - chị Nguyệt nói.

Người phụ nữ này là một đại diện điển hình cho rất nhiều nữ chiến binh tuyến đầu của Viettel trong giai đoạn đại dịch diễn ra căng thẳng. Không phải họ không sợ dịch bệnh, nhưng họ biết rằng có nhiều gia đình cần đến mình và những nữ chiến binh của Viettel đơn giản là trang bị chống dịch tốt nhất, rồi lên đường.

"Biệt đội siêu nhân" ở điểm tiêm lớn nhất quận 10

Giữa tháng 7, tòa nhà Viettel 285 Cách mạng tháng 8 chính thức trở thành điểm tiêm phòng tiêm chủng vaccine Covid-19, toàn bộ cán bộ nhân viên (CBNV) Viettel làm việc trong tòa nhà được điều động.

11 chị em từ các bộ phận tập hợp lại thành team đầu mối phụ trách hậu cần của toàn bộ chiến dịch với 2 nhiệm vụ: Đảm bảo công việc chuyên môn để tòa nhà vận hành bình thường theo tiêu chuẩn hạng A và đảm bảo mục tiêu kép: Bằng mọi cách giữ điểm tiêm an toàn.

Chuyện về những nữ chiến binh ở tuyến đầu tại Viettel - 2
3 trong số 11 chị em thuộc team đầu mối phụ trách hậu cần của toàn bộ chiến dịch tại điểm tiêm chủng tòa nhà Viettel 283, CMT8.

Nhiệm vụ chỉ nghe đã thấy khó khăn vất vả, nhưng các chị em Viettel tại đây đều coi là niềm vui, niềm tự hào, thậm chí là sự may mắn vì được góp sức cho đất nước trong giai đoạn cam go này.

Trong đoàn có 3 cô gái tuổi đôi mươi gồm Phương Thảo, Hồng Xuân, Gia Mẫn làm việc với cường độ không khác gì nam giới. Ban ngày, các cô đón tiếp người đến tiêm, nhập liệu thông tin, điều phối, kiểm tra phiếu sàng lọc. Ban đêm, có những hôm các cô ở lại đến 12h để nhập liệu, đảm bảo dữ liệu chính xác và được cập nhật nhanh nhất.

"Tiếp cả nghìn người mỗi ngày, đông vậy nhưng không ai cáu, chị em vẫn cười, vẫn động viên, lo cho nhau, cho tất cả anh em trong BQL từng bữa ăn", chị Hiền tổng quản của "biệt đội siêu nhân" chia sẻ.

Cứ như thế, tại mặt bằng sảnh chính tòa nhà Viettel 285 Cách mạng tháng 8 với 4 dãy bàn tiêm, trung bình mỗi ngày tiêm được 1.000 lượt, có ngày cao điểm lên tới 1.200 lượt. Lãnh đạo quận 10 đánh giá đây là điểm tiêm lớn nhất, an toàn, tiện nghi nhất của quận.

Ngày 1/10, TPHCM quay trở lại với cuộc sống bình thường mới, tòa nhà Viettel 285 CMT8 lại là tòa nhà hạng A với các hoạt động như thời điểm khi chưa có dịch. Nhìn lại hành trình vừa qua, chị Hiền tổng kết lại: "Tôi thấy chúng tôi trưởng thành hơn qua lần này, thấy đoàn kết gắn bó nhau hơn, thương nhau, hỗ trợ nhau nhiều hơn, cả trong BQL chúng tôi và cả từ các anh chị lãnh đạo, các phòng ban của công ty ngoài Hà Nội".

Tinh thần đồng đội của nữ chiến binh tuyến đầu

Vừa khai trương hoạt động được vỏn vẹn 1 tháng, siêu thị TPHCM99 thuộc Trung tâm Bán lẻ Viettel (Viettel TPHCM) gặp ngay đại dịch. Thành phố giãn cách từ tháng 6/2021, vì thuộc đơn vị kinh doanh viễn thông nên siêu thị vẫn được phép hoạt động, nhưng phải tuân thủ giãn cách. Dẫu vậy, khi phần lớn hoạt động trong thành phố bị đình trệ thì trong 6 tháng qua, siêu thị vẫn luôn hoàn thành kế hoạch tháng. Riêng tháng 7 - lúc cao điểm dịch, TPHCM99 đạt 126% kế hoạch.

Chuyện về những nữ chiến binh ở tuyến đầu tại Viettel - 3
Chị Ngọc Mai, trong một sự kiện của siêu thị những ngày thành phố khỏe mạnh.

Không phân biệt đơn hàng lớn nhỏ, từ laptop, máy tính bảng đến những đơn hàng phụ kiện nhỏ, siêu thị vẫn nhận hết. Một ngày 8-15 đơn, có khi 3 bạn giao hàng chỉ kịp ăn sáng, có hôm không kịp ăn trưa, chỉ có mỗi gói mỳ tôm cho qua cơn đói. Suốt từ 23/8 tới nay, các bạn thay nhau 2 tuần mới được nghỉ một ngày, mà có khi chỉ một buổi sáng.

Để động viên tinh thần nhân viên và đảm bảo hoạt động của siêu thị, chị Trần Võ Ngọc Mai, Giám đốc siêu thị trực tiếp dậy sớm buổi sáng để nấu ăn, lo cho mọi người bữa ăn đầy đủ cơm canh, món xào món mặn.

Không chỉ vậy, chị Mai còn hướng dẫn nhân viên tích cực viết bài truyền thông, làm video bán hàng chia sẻ vào các hội nhóm để tăng tương tác với khách hàng.

"Như thế, khách hàng sẽ biết rằng Viettel vẫn đang hoạt động trong khi các hãng khác phải tạm dừng. Nhờ đó, đơn hàng vẫn đều đều và còn tăng trong dịch" - chị Mai cho biết.

2 tháng cách ly tại nhà và thành tích tốt nhất kênh bán hàng trực tiếp quý II

Dù bận rộn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị nhưng chị Lê Hải Hà - Giám đốc huyện kiêm Cụm trưởng Bán hàng trực tiếp Viettel quận 1, TPHCM luôn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng chống dịch. Theo đề nghị của quận, chị Hà quyết định hỗ trợ 4 số hotline tiếp nhận bệnh nhân Covid cho 4 khu cách ly tập trung trên địa bàn.

Chuyện về những nữ chiến binh ở tuyến đầu tại Viettel - 4
Chị Lê Hải Hà nhanh chóng kết nối trực tiếp với thầy cô, nhà trường để hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19.

Khi TPHCM có quyết định về dạy học trực tuyến, Viettel đã đi trước các hãng khác một bước khi hợp tác với Sở Giáo dục để có các gói ưu đãi về mua thiết bị, dung lượng, giảm cước cho giáo viên và học sinh, phụ huynh. Tại quận 1, chị Hà nhanh chóng kết nối trực tiếp với các thầy cô hiệu trưởng để tư vấn, được các trường hưởng ứng rất tốt.

Mùa dịch, 80-90% doanh nghiệp trong quận 1 dừng hoạt động tại chỗ, hàng nghìn thuê bao tạm dừng hoạt động. Chị Hà và đơn vị gặp vô vàn khó khăn khi toàn đơn vị có 27 nhân viên chuyên đi bán hàng, thu cước nhưng thành phố chỉ cấp cho 3 giấy đi đường. Và đơn vị có tới 6 nhân viên là F0 nên chị là F1, đến thời điểm giữa tháng 9, chị đã cách ly tại nhà 2 tháng.

Vượt qua những khó khăn đó, chị Hải Hà là người có thành tích tốt nhất Kênh bán hàng trực tiếp quý II, và top 8 đơn vị có kết quả tốt của 2 tháng 7 và 8.

Vẫn giữ được công việc trong mùa dịch, những người phụ nữ này không ai muốn được gọi là chiến binh. "Không phải ai trong tâm dịch cũng có điều kiện được dùng sức mình để phục vụ cộng đồng. May mắn Viettel có điều kiện, chúng tôi được dùng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để góp sức hỗ trợ người dân, từng bước đưa cuộc sống trở về bình thường mới", chị Hiền tổng quản tại điểm tiêm tòa nhà Viettel 285 CMT8 chia sẻ.