1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chuyện về những hòn gạch đầu tiên của nền tài chính - tiền tệ VN

(Dân trí) - Lạm phát của Việt Nam đang được kiềm chế trong phạm vi dưới 7%, nhưng những ai theo dõi diễn biến của nền kinh tế hẳn vẫn còn nhớ thời kỳ lạm phát “phi mã” lên trên 700%...

Nguồn vốn giá rẻ đang chảy vào nền kinh tế.
Nguồn vốn giá rẻ đang "chảy" vào nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước, tiền thân là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, vừa tròn 62 năm phát triển và trưởng thành. Từ một hệ thống ngân hàng bao cấp độc quyền, phát hành giấy bạc Ngân hàng, thu hồi giấy bạc Tài chính…; đến nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả lượng và chất, xứng danh là mạch máu của nền kinh tế.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm khi đề cập tới thành tựu của ngành ngân hàng trong 62 năm qua đã nhấn mạnh tới 3 điểm nổi bật. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, ngành ngân hàng đã hoàn thành sứ mệnh hoạt động tiền tệ, tín dụng, giúp đời sống người dân được cải thiện qua từng thời kỳ, kể cả trong kháng chiến và thời kỳ đổi mới.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đã góp phần ổn định sức mua của đồng tiền. “Theo đánh giá của tôi, hoạt động ngành ngân hàng thời gian qua tương đối an toàn. Trong điều kiện nền kinh tế trì trệ, ngành ngân hàng đã có những đóng góp lớn trong việc kiềm chế lạm phát phi mã (có lúc lên tới trên 700%/năm). Và cũng qua 62 năm phát triển, hệ thống ngân hàng ngày càng trưởng thành, đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”.

Vào những năm sau giải phóng, do hậu quả của chiến tranh kéo dài, cộng với việc duy trì quá lâu cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã khiến kinh tế nước ta rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, bội chi ngân sách ở mức cao trong nhiều năm. Theo đó, lạm phát có lúc ở mức 3 con số (Lạm phát năm 1986: 774,7%, năm 1987: 231,8%, năm 1988: 393,8%) làm cho các cân đối vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng và kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong vòng gần 10 năm chia sẻ: Một trong những điểm nhấn của ngành ngân hàng thời kỳ “hậu chiến tranh” là đã góp phần đưa lạm phát “phi mã” từ trên 700% xuống 5% - 6% vào những năm 1990. Và để “hạ nhiệt” lạm phát, chính sách của Ngân hàng Nhà nước thời kỳ đó đã áp dụng lãi suất thực dương, tăng lãi suất tiền gửi lên 20%/tháng, tương đương 240%/năm.

Cùng với việc tăng mạnh lãi suất tiền gửi để “hút” tiền về, được Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định cho vay ra với lãi suất chỉ 10%/năm. Phần chênh lệch trên 200%/năm giữa lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng được Nhà nước bù đắp. Do vậy, tốc độ gia tăng “phi mã” của lạm phát đã được đẩy lùi, về mức khoảng 5% - 6%/năm vào năm 1991, giúp các ngành nghề khôi phục sản xuất kinh doanh.

Và cũng kể từ đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện chính sách lãi suất thực dương, kết hợp sử dụng các công cụ gián tiếp với công cụ kiểm soát trực tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ; hình thành các thị trường tiền tệ… Hiện tại, với lạm phát được kiềm chế ở phạm vi dưới 7%, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến không kỳ hạn từ 1% - 1,2%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5% - 6,5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5% - 7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5% - 8%/năm.

Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất huy động phổ biến không kỳ hạn khoảng 1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 6,5% - 7%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7% - 8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8% - 9%/năm. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần hiện cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9,5% -11,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 12% -13%/năm.

Tại các ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7% - 9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9% -10,5%/năm đối với ngắn hạn; trung và dài hạn khoảng 11,5% -12,8%/năm. Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5% - 7%/năm.

Lãi suất giảm mạnh giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Qua đó, hệ thống ngân hàng cũng làm tốt hơn vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế.
 

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã từng cho biết, chính sách tiền tệ trong những năm qua luôn theo đuổi mục tiêu điều hành của Chính phủ. Ví dụ như trong năm 2008, mục tiêu đó là chống lạm phát, 2009: chống suy giảm kinh tế, 2010: phục hồi tăng trưởng và 2011: tiếp tục chống lạm phát…

Hiện tại, để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, ngành ngân hàng đã xây dựng Chương trình hành động với mục tiêu tổng quát đến năm 2020 là: Phát triển ngành ngân hàng toàn diện, an toàn, bền vững tiến tới xây dựng hệ thống ngân hàng hiện đại, hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có năng lực quản lý, trình độ ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và áp dụng đầy đủ các thiết chế và chuẩn mực theo thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam trong hoạt động ngân hàng ở cả hai cấp: quản lý nhà nước và kinh doanh tiền tệ - hoạt động ngân hàng.

Ghi nhận những thành tựu và đóng góp của ngành Ngân hàng, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ngành Ngân hàng Huân chương Sao vàng năm 2006, Huân chương Hồ Chí Minh lần 1 năm 1996, Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 năm 2011; hai đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 12 đơn vị trong Ngành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; hàng trăm đơn vị, hàng ngàn cán bộ ngân hàng được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý khác.

An Hạ