1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chuyện người Việt thành công trên đất Mỹ

Ông là bếp trưởng của nhà hàng Trung Quốc chuyên bán các món mì, cánh gà chiên cho khách hàng đa số là dân Mỹ đen. Thiết lập nhà hàng đắt khách xong, ông nhượng lại cho người khác, đi tìm địa điểm thích hợp mở căn thứ 2 và bây giờ đã làm chủ chín mười nhà hàng như vậy.

Câu chuyện thứ nhất

 

Thời hoàng kim của phiếu thực phẩm đã về chiều, các ông dân nghèo không còn được lấy phiếu thực phẩm để mua đồ ăn về nhà nấu mà phải lấy phiếu thực phẩm đi ăn nhà hàng. Ông nhìn xa trông rộng, chuyển nghề ra mở tiệm giặt máy bỏ tiền tự động, sửa chữa, bảo trì máy móc...

 

Các bạn đồng nghiệp thấy ông làm ăn khấm khá cũng đua nhau tìm địa điểm các khu bình dân mở tiệm giặt máy bỏ tiền. Thời gian đó tiệm giặt như hoa nở rộ. Thấy nghề đếm bạc cắc coi bộ mỏi tay, lại thêm ngày này qua tháng nọ thấy mấy ông bà làm nghề giũa móng tay đi xe Lexus 400, Mercedes 500 vi vút trên đường phố, trong các siêu thị Á Đông có cả dãy xe cao cấp của dân nails, ông thuyết phục bà xã mở nails (làm móng).

 

Ông tìm khu phố tấp nập dân đen, mở tiệm lớn, thuê cả chục thợ. Ông ngồi chơi xơi nước, tối tối đi ăn nhà hàng với hoa lợi, chia theo cách chủ ăn 4, thợ 6, dân nails thường gọi là 4/6. Chủ thợ bình đẳng, đề huề tậu xe cao cấp, mua nhà trả đứt, không cần phải nộp ba thứ giấy tờ lủng củng, dài lê thê xin trả góp mỗi tháng.

 

Nhân dịp gả cô con gái đầu lòng cho chàng rể gốc gác nghề kim hoàn, ông nghe lời bạn chung nhau mở tiệm kim hoàn, bán vàng bạc, kim cương, hột xoàn. Ông cho con gái đi học nghề hột xoàn lấy bằng GIA, cho cậu con trai đi học nghề thợ bạc cho biết nghề để mấy anh thợ bạc khỏi làm eo.

 

Khởi đầu abc vào nghề, nay hai vợ chồng ông đã đứng vững và phát triển trong nghề vàng bạc ngay trong lòng hơn 300 tiệm kim hoàn tại thành phố New York, với mức sinh hoạt đắt đỏ cao nhất nước Mỹ.

 

Câu chuyện thứ hai

 

Tôi cũng có một người bạn Mỹ gốc Hong Kong, thuở thiếu thời ông học nghề sửa đồng hồ đeo tay trong tiệm kim hoàn, đôi lúc chủ bắt ông vô bếp nấu ăn cho đám thợ; từ từ theo thời gian, ông học được nghề kim hoàn mãi tận xứ Mễ, ông nói tiếng Tây Ban Nha “vi vút” như người Mễ.

 

Trong cuộc đời phiêu bạt, ông trôi dạt tới thành phố New York, mở luôn hai tiệm kim hoàn. Ông trông coi một tiệm bán đồ cao cấp, bà coi một tiệm bán loại hàng thượng vàng hạ cám, tóm lại ông hốt luôn cả hai loại khách giàu sang và bình dân.

 

Nghe lời người bạn kế toán viên, ông bán hết nhà ở New York với giá cao, đem số tiền đặt cọc mua luôn ba shopping center (trung tâm mua sắm) ở Houston, Texas. Gặp lúc kỹ nghệ dầu hoả tuột dốc thời điểm 1989-1990 ông trúng mối bán cao mua thấp, trong vòng 10 năm ông thâu lại hết vốn và được hưởng không ba trung tâm mua sắm.

 

Một năm ông du lịch mấy lần thăm cơ sở của ông ở xứ cao bồi Texas, thăm dân cho biết sự tình. Việc bảo trì, quản lý và những phiền toái của việc cho thuê mướn tiệm ông giao cho quản lý người Mỹ trông coi.

 

Mỗi tháng họ gửi báo cáo về đầy đủ chi tiết, ông liếc qua hồ sơ mỉm cười một mình rồi lại chìm đắm trong công việc ở tiệm kim hoàn.

 

Ông say mê nghề nghiệp của ông từ thuở còn nhỏ tới nay đã ngoài 50, các con ông trái lại không muốn nối nghiệp cha mẹ. Ông có 1 trai, 2 gái; cậu cả theo học tiến sĩ triết học, cô lớn tốt nghiệp cử nhân đầu quân vào làm việc ở bảo tàng, lãnh lương chỉ đủ trả tiền thuê phòng, tiêu vặt, ăn uống qua ngày, còn cô út năm nay chuẩn bị thành cô giáo dạy tiếng Tây Ban Nha.

 

 

Theo Nguyễn Lê

Sài Gòn Tiếp Thị