Chuyển mình sang BT, sức khỏe "vua BOT" Tasco lao dốc bất thường

Vân Khánh

(Dân trí) - Từng được mệnh danh là "vua BOT", Tasco sau đó triển khai nhiều dự án BT và dính hàng loạt lùm xùm. Trong năm 2020, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ hơn 240 tỷ đồng.

Dự án BT (dự án được đầu tư theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao) đã chính thức "bị khai tử" kể từ ngày 1/1/2021 khi vào tháng 6/2020 Quốc hội thông qua Luật Đầu tư theo phương pháp đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, có thể thấy được xung quanh những dự án BT đình đám một thời còn tồn tại không ít vấn đề.

Nhìn lại chặng đường hoạt động của các doanh nghiệp nổi đình đám về loại hình dự án này, có thể thấy dù là "con gà đẻ trứng vàng", BT cũng là "niềm đau chôn giấu" khi mà tình hình tài chính của một số cái tên đình đám về dự án BT ngày càng bết bát.

Chuyển mình sang BT, sức khỏe "vua BOT" lao dốc 

"Vua BOT" chuyển mình sang bất động sản nhờ BT

Công ty Cổ phần Tasco (Mã chứng khoán: HUT) từng được mệnh danh là "vua BOT". Tasco đang là chủ đầu tư các dự án BOT với các trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án như Quốc Lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng, Dự án Thu phí không dừng toàn quốc theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).

Chuyển mình sang BT, sức khỏe vua BOT Tasco lao dốc bất thường - 1

Tasco từng được mệnh danh là "vua BOT" (Ảnh: Tasco).

Bên cạnh BOT, Tasco cũng chuyển mình mạnh mẽ sang BT. Bằng cách đầu tư lớn vào các dự án giao thông, Tasco nhận lại quỹ đất "khủng" để phát triển bất động sản.

Trong báo cáo thường niên năm 2016, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Tasco - không giấu tham vọng với bất động sản khi khẳng định: "Giai đoạn 2016 - 2018 sẽ chứng kiến bước đột phá của Tasco về đầu tư bất động sản, là lĩnh vực kinh doanh đã được chuẩn bị từ những năm 2009 và định hướng sẽ trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn của Tasco trong thời gian tới".

Thực ra, không phải đến năm 2016 Tasco mới thể hiện tham vọng với địa ốc. Trước đó, từ năm 2014, "vua BOT" đã xác định "lĩnh vực bất động sản trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn". Năm 2015, công ty chính thức triển khai dự án Foresa Villa và các dự án bất động sản khác.

Năm 2016, Tasco nâng vốn điều lệ lên 1.763 tỷ đồng. Từ đó, doanh nghiệp này có nguồn vốn giúp Khu đô thị sinh thái đầu tiên được hoàn thành và bàn giao cho khách hàng (Khu đô thị Xuân Phương). Để có được quỹ đất, Tasco tham gia thực hiện dự án BT.

Tasco tham gia dự án xây dựng đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương. Đổi lại, UBND thành phố Hà Nội đối ứng cho Tasco 70ha đất gồm 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).

Bên cạnh đó, Tasco cũng có nhiều dự án được quan tâm như dự án đầu tư xây dựng nhà ở South Building - Pháp Vân, dự án Xuân Phương Residence...

Chuyển mình sang BT, sức khỏe vua BOT Tasco lao dốc bất thường - 2

Tổng thể quy hoạch dự án Foresa 

Cú chào sân ngoạn mục…

Chuẩn bị từ năm 2014 cho mảng bất động sản, tới năm 2016, Tasco mới chính thức "chào sân" khi đưa ra thị trường dự án Khu đô thị Xuân Phương. Cú "chào sân" này được đánh giá là ngoạn mục, thể hiện ở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2016 của Tasco, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 2.960 tỷ đồng, tăng 123,3% so với kế hoạch năm và bằng 131,2% so với năm 2015.

Trong đó, đáng chú ý nhất chính là doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Năm 2016, khoản mục này đạt gần 2.147 tỷ đồng, bằng 676,1% so với năm 2015 và chiếm 70% tổng doanh thu. Dòng tiền từ bất động sản cao hơn hẳn so với thu phí đường bộ, xây lắp và hoạt động khác. Doanh thu từ hoạt động thu phí năm 2016 của Tasco đạt 447 tỷ đồng.

Tasco rất lạc quan với bất động sản khi bình luận: "Qua số liệu cho thấy, năm 2016 là một năm thành công của Tasco khi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng vượt bậc so với năm 2015. Năm 2016 công ty tập trung đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của mảng bất động sản chiếm khoảng 70% tổng doanh thu và lợi nhuận của công ty đến từ các dự án Foresa Villa và Xuân Phương Residence".

Chuyển mình sang BT, sức khỏe vua BOT Tasco lao dốc bất thường - 3

Từ năm 2014, Tasco đã xác định "lĩnh vực bất động sản trở thành ngành kinh doanh mũi nhọn". (Trong ảnh là dự án Foresa Villa do Tasco làm chủ đầu tư - Ảnh: Tasco)

Tasco tin vào tương lai tươi sáng với bất động sản khi mà các dự án của công ty đều tập trung ở phía Tây Hà Nội, khu vực liên tục xảy ra tình trạng "sốt" đất cũng như các dự án bất động sản tăng chóng mặt thời gian qua.

… rồi "rơi"

Thế nhưng, đáng tiếc, vừa "lên đỉnh" nhờ bất động sản, tình hình kinh doanh của Tasco đã nhanh chóng đi xuống. Trong năm 2017, 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm dần đều chỉ còn 298 tỷ đồng, 65,7 tỷ đồng và 44,7 tỷ đồng. Đó là những con số xét theo năm. Còn nếu tính theo quý, bức tranh tại Tasco có vẻ còn "u ám" hơn. Quý 4/2018, Tasco lỗ 14,9 tỷ đồng. Sang quý 1/2019, doanh nghiệp này lỗ thêm 13,7 tỷ đồng.

2020 mới là năm kết quả kinh doanh của Tasco sụt giảm mạnh. Trong quý 2/2020, Tasco lỗ 14,6 tỷ đồng, đến quý 3 nâng lên thành 80,5 tỷ đồng và vọt lên gần 154 tỷ đồng trong quý 4/2020. Tính chung cả năm 2020, Tasco lỗ kỷ lục 243 tỷ đồng.

Không ít nguyên nhân khiến cho Tasco thua lỗ. Trong đó, bất động sản "góp phần" không nhỏ. Đáng chú ý nhất là nghĩa vụ tài chính của toàn dự án Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương tăng hơn 105 tỷ đồng.

Việc phát sinh này không ngạc nhiên với giới đầu tư vì trước đó, Tasco từng bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính vì nhiều sai phạm tại dự án BT. Cụ thể, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm trong các dự án BT đã và đang được triển khai, trong đó có dự án BT của Tasco.

Với dự án xây dựng đường Lê Đức Thọ - Khu đô thị mới Xuân Phương, Kiểm toán Nhà nước khẳng định: "Dự án lựa chọn chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn,…".

Dự án có con số báo cáo là 1.543,6 tỷ đồng, trong khi giá trị Kiểm toán Nhà nước xác nhận lại chỉ hơn 946,5 tỷ đồng (chênh lệch gần 600 tỷ đồng). Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 391,6 tỷ đồng tại dự án này.

Vì vậy, suốt thời gian dài qua, cổ phiếu HUT của Tasco đứng dưới mệnh giá. Đóng cửa phiên giao dịch 17/3, HUT dừng ở mức 6.100 đồng/cổ phiếu.