Chuyện ly kỳ cây sưa trăm tỷ: Áo giáp sắt bảo vệ khối 'vàng' lộ thiên

Cây sưa ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) từng được trả giá 100 tỷ đồng, được ví như khối “vàng lộ thiên” của làng đang chết dần. Do đó, chính quyền xã đề nghị bán đấu giá công khai cây báu vật này để lấy tiền phục vụ công trình công cộng ở địa phương.

Ngày 4/10, lãnh đạo UBND xã Hòa Chính cho biết đang xin ý kiến của huyện và thành phố về việc bán cây sưa từng được định giá 100 tỷ đồng ở chùa làng Phụ Chính theo nguyện vọng của người dân. Nếu được thành phố chấp thuận thì cây sưa sẽ được bán đấu giá công khai.

Theo trụ trì chùa thôn Phụ Chính, để cây sưa lại vào lúc này là không hợp lý, cây đang ngày một chết dần. Nhiều ý kiến lo sợ sau này có bán cũng không ai còn muốn mua, như thế thật quá lãng phí.


Cây sưa trăm tỷ chùa làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Cây sưa trăm tỷ chùa làng Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

"Chúng tôi mong chính quyền địa phương bán cây sưa vừa để có kinh phí trùng tu các công trình phúc lợi, lại không phải sống trong cảnh bất an, lo lắng cây bị chặt hạ như hiện nay", trụ trì chùa thôn Phụ Chính chia sẻ trên VTC News.

Cùng ý kiến trên, ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn Phụ Chính cho biết, thôn đã đề bạt nguyện vọng bán cây sưa lên xã từ nhiều năm nay, nhưng cấp trên chưa đồng ý.

"Nếu giờ không bán, sợ một thời gian nữa cây sưa mục nát trở thành khúc củi sẽ chẳng còn giá trị. Nguyện vọng của người dân hiện nay là được bán cây sưa để tu bổ các công trình phúc lợi, làm đẹp cho quê hương", ông Tuyến nói.


Cây sưa luôn được người dân bảo vệ trong một lớp áo giáp sắt và lớp áo ấy cũng đang bị hoen gỉ.

Cây sưa luôn được người dân bảo vệ trong một lớp "áo giáp sắt" và lớp áo ấy cũng đang bị hoen gỉ.

Được biết, trong nhiều năm qua, nhiều khúc mắc giữa chính quyền địa phương với người dân, giữa người dân với người mua đã nảy sinh khiến việc mua bán cây sưa này không thể diễn ra.

Một nguyên nhân nữa là dù nhiều lần chính quyền địa phương lên phương án bán cây sưa này theo luật định để tránh tình trạng cây chết gây lãng phí, song do một nhóm các cụ cao niên trong làng không đồng tình.

"Đến thời điểm này đã có tín hiệu vui, cây sưa đã được cơ quan chức năng đồng ý cho bán, việc còn lại là chúng tôi đang làm đề xuất xin thành phố Hà Nội cho người dân địa phương tự sử dụng số tiền bán cây này thay vị nộp ngân sách theo quy định", Nguyễn Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho hay.

Theo Trí Thức Trẻ, người dân địa phương cho biết đến năm 2020 sẽ bán cây sưa này để trùng tu ngôi chùa và làm các công trình phúc lợi.


Nhiều phần thân cây sưa đã bị hư hỏng, mục rỗng và vỡ ra

Nhiều phần thân cây sưa đã bị hư hỏng, mục rỗng và vỡ ra


Một nửa cây sưa quý được cho là đã chết khô

Một nửa cây sưa quý được cho là đã chết khô

Cây sưa này hiện nằm tại chùa thôn Phụ Chính. Theo lời kể của vị trụ trì ngôi chùa, cây sưa này là loài sưa đỏ, có độ tuổi hơn 200 năm. Vào năm 2010, giá gỗ sưa đắt đỏ, có người đã trả giá đến 100 tỷ đồng nhưng người dân không bán.

Ban đầu cây sưa có hai nhánh lớn, nhưng sau đó một nhánh đã bị gãy đổ và được bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng vào năm 2010.


Cây sưa này từng được định giá lên tới 100 tỷ đồng

Cây sưa này từng được định giá lên tới 100 tỷ đồng

Báo Lao Động thông tin, trên đường di chuyển, số gỗ đó bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ do thiếu thủ tục bán, cuộc mua bán xem như không thành công.

Năm 2015, huyện Chương Mỹ đã yêu cầu dân Phụ Chính trả lại số tiền 20,5 tỉ đồng cho người mua năm 2010 và cho đấu giá lại số gỗ năm đó, cuối cùng được hơn 31 tỉ đồng.

Vị chủ trì ngôi chùa này cho biết thêm, từ khi biết giá trị cây sưa khủng này, những người lạ đã tìm đến thôn để cưa trộm cây sưa đem bán.


Phần gốc cây xuất hiện nhiều vết nứt, mối mọt.

Phần gốc cây xuất hiện nhiều vết nứt, mối mọt.

Sau nhiều lần bất thành, đến giữa năm 2012, lợi dụng lúc trời mưa bão, các đối tượng đã cắt cửa khóa cổng, vào chùa chặt 1 nhánh ở cây sưa lớn.

Từ sau sự việc đó, người dân địa phương đã dùng nhiều dây thép quấn quanh thân cây này nhằm mục đích ngăn cản kẻ trộm vào cưa trộm cây. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã thành lập tổ bảo vệ túc trực thường xuyên cạnh cây sưa để trông giữ cây.


Người dân bảo vệ cây gỗ quý bằng hàng rào sắt kiên cố

Người dân bảo vệ cây gỗ quý bằng hàng rào sắt kiên cố

Đi cùng nỗi lo bị sưa tặc tấn công, người dân nơi đây vô cùng xót xa khi hiện tại cây sưa trăm tỷ này đang có dấu hiệu mục nát ở nhiều phần.

Phần vỏ phía bên ngoài cây khô và bong gần hết, có nhiều đoạn gần gốc cây cho thấy bộ rễ đã chết đi phần nhiều. Người dân nơi đây đã tiến hành chọc que vào đo độ rỗng bên trong thân cây, cho thấy phần cây bị rỗng đã lên đến 1,5m. Vào mùa mưa bão ẩm ướt, nhiều phần cây đã chết sẽ bị ngấm nước và lên nấm mốc, có nguy cơ hỏng toàn bộ cây.

Theo: Hạnh Nguyên (t/h)

Vietnamnet

Chuyện ly kỳ cây sưa trăm tỷ: Áo giáp sắt bảo vệ khối 'vàng' lộ thiên - 8

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm