Chuyện kể về những người lính không quân hàm, cấp bậc

Có nhiều cách gọi về nghề này lắm! “Nghề không bao giờ được sai” hay “Nghề không có chỗ cho sự yếu đuối”… còn tôi lại gọi họ là những người lính. “Lính” đường dây truyền tải điện không quân hàm, cấp bậc; “Lính” đường dây “vượt nắng, thắng mưa” , leo núi cao, vượt sông suối… mang ánh sáng điện đến với vùng cao và những bản làng xa xôi…

Chiếc kim giờ đồng hồ chạm đến con số 11 giờ đêm. Thế nhưng tại phòng họp, ông Nguyễn Văn Giang - PGĐ Truyền tải điện Thanh Hóa và các anh em kỹ sư, công nhân của đơn vị vẫn hăng say đưa ra các ý kiến để công tác nâng độ cao dây dẫn đường dây 500kV mạch 1 tuyến Nho Quan - Hà Tĩnh ngày mai diễn ra tốt nhất.

4h sáng, tất cả đều thức dậy để chuẩn bị cho một ngày làm việc. Dự báo thời tiết ngày hôm nay ở khu vực Thanh Hóa có thể lên tới 38 độ C.

Ăn cũng thắt dây an toàn

Theo dự tính, giờ cắt điện là 5h sáng. Thế nhưng vì những lý do khách quan mà đến 9h mới có thể cắt điện. “Luôn có một độ trễ nhất định vì ngành điện liên quan đến đời sống và nhiều ngành nghề khác trong xã hội”, ông Nguyễn Văn Giang, PGĐ Truyền tải điện Thanh Hóa lý giải.

Cái nắng gay gắt của mùa hè đổ xuống mặt đất và ở đây, những người thợ đường dây truyền tải điện vẫn cần mẫn với công việc của mình - “diễn xiếc”, khi họ bước đi thoăn thoắt trên dây cách mặt đất khoảng 30m. “Nói diễn xiếc còn hiền chán đấy” - anh Lữ Thanh Hòa (Đội Truyền tải điện Thiệu Hóa) đứng cạnh tôi giải thích - “Nhiều nơi chúng tôi làm, bà con còn chỉ trỏ “Mấy con khỉ đi trên dây!” Nghe mãi rồi thành quen. Nghề mà!”. Có lẽ vì vậy mà bài học đầu tiên, nhớ nhất của các anh chính là “không được học chữ Á, chữ Ớ”…

“Nếu làm việc trên cao Ớ là nhầm rồi, Á là rơi rồi. Nên hàng năm chúng tôi phải tập huấn, kiểm tra sức khỏe”, anh Hòa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Giang - PGĐ Truyền tải điện Thanh Hóa cùng anh em làm việc
Ông Nguyễn Văn Giang - PGĐ Truyền tải điện Thanh Hóa cùng anh em làm việc

Nói nghề đường dây là nghề của phái mạnh quả không sai. Cái nghề vất vả gắn liền với nắng mưa như khoác cho các anh cái vẻ phong trần, thân hình rắn rỏi… và hình như ai cũng già trước tuổi.

“Tôi vẫn bảo lớp trẻ muốn phiêu lưu thì nghề này dù khó nhọc, bên ngoài người ta nghĩ là khô khan nhưng tôi nghĩ nghề đường dây vẫn đem lại cho con người nhiều niềm vui mà người làm ở công sở không có được. Vì chúng tôi được sống với gió, nắng, và ở trên cao nhất (cười).

Người đàn ông có nước da đen sạm, ánh mắt cương nghị đã mở đầu câu chuyện với tôi như vậy. Anh là Trần Lê Hùng - Công nhân quản lý vận hành đường dây 500 kV mạch 1 và 2 cung đoạn Thanh Hóa, người đã gắn bó với đường dây 500kV của đất nước từ khi đưa vào vận hành năm 1994. Gần 30 năm trong nghề, những vất vả nhọc nhằn của nghề đường dây anh Hùng đều nếm đủ.

Đó là những ngày mưa bão, anh em vẫn phải có mặt trên tuyến; là những ngày dài vượt sông suối, leo núi cao, kiểm tra từng vị trí cột...Rồi cả những buổi trực đêm vẫn được người công nhân có thâm niên kể một cách nhẹ tênh… “Cái nghề của chúng tôi làm đêm cũng bình thường thôi. Thức đêm chưa bằng mùa hè, 12h trưa dù nắng trên 38-400 C vẫn không nghỉ, chỉ khi hoàn thành xong công việc mới nghỉ”.

Nội quy của chúng tôi: Tại “nhà ăn” và nơi làm việc phải thắt dây an toàn (Ảnh: facebook Hoài Xuân)
Nội quy của chúng tôi: Tại “nhà ăn” và nơi làm việc phải thắt dây an toàn (Ảnh: facebook Hoài Xuân)

Nếu không đến đây và tìm hiểu về công việc của những người làm nghề đường dây truyền tải điện, có lẽ chẳng bao giờ tôi biết về kiểu ăn cơm lạ đời của những người xem đường dây như máu thịt này. Anh Nguyễn Sơn Hà - Đội Truyền tải điện Như Xuân kể anh em chủ yếu ăn uống trên tuyến mình làm để đảm bảo tiến độ.

“Có khi cột cao, anh em câu đồ ăn lên trên vì cột cao trèo lên trèo xuống mất thời gian”. “Nhà ăn” đặc biệt ấy như hòa với trời đất và các anh vẫn phải thắt dây an toàn khi ăn.

Ăn cùng gió, uống cùng mây/ Gian lao để cuộc đời này đẹp hơn!

(Facebooker: Thang Lang – Công ty Truyền tải điện 4)

Những nhà “ngoại giao” không bằng cấp

Câu chuyện của anh Lữ Thanh Hòa - thâm niên gần 20 năm trong nghề đường dây lại cho chúng tôi một cái nhìn khác nữa về họ. Không chỉ chuyên môn vững, họ còn là những người làm công tác dân vận tốt, gần gũi với nhân dân.

Anh Hòa kể, an toàn đường dây Truyền tải điện rất quan trọng. Các anh luôn phải đi dọc tuyến để kiểm tra có cây cao ảnh hưởng đến đường dây hay không. Việc vận động người dân chặt cây không hề đơn giản. Có khi đến nhà người dân, các anh còn tự bỏ tiền túi ra, mua gói bánh gói kẹo cho những đứa trẻ và cũng để tạo thiện cảm khi bắt chuyện với chủ hộ.

Truyền tải điện: Nghề không có chỗ cho sự yếu đuối
Truyền tải điện: Nghề không có chỗ cho sự yếu đuối

Có một chuyện mà anh nhớ nhất đó là lần vận động được gia đình cưa một cây với giá 40 nghìn đồng, người vợ đã đồng ý. Thế nhưng cưa được nửa cây thì anh chồng uống rượu về, bắt trát hết cây lại và nhốt anh từ 9 giờ đến 12 giờ trưa ở trong nhà.

“Mình biết tâm lý của người dân thế nào. Tôi bảo rằng, tôi ở trong nhà anh, anh vác dao đụng đến tôi là anh vi phạm pháp luật. Giờ anh cứ nói, tôi nghe. Anh ấy nói nhiều lắm, đến 12h mình pha chè rồi tỉ tê tâm sự”. Vậy là lần đấy chỉ thêm 10 nghìn nữa là chặt được cái cây mà bao nhiêu năm nay gia đình không cho anh em chặt. “Mình phải gần dân, biết nói chuyện và lựa tâm lý lúc nào nói là thuận lợi” - anh Lữ Thanh Hòa chia sẻ.

Còn anh Trần Lê Hùng bộc bạch một kỷ niệm của đời lính truyền tải điện mà anh nhớ nhất, đó là có những lần qua sông không có bè. Anh em đang loay hoay chưa biết tính sao thì người dân bên kia sông đã mang bè mảng ra chở mà không chút mặc cả, không một điều kiện gì. “Họ bảo là nhìn quần áo các anh là biết” – anh Hùng xúc động. Có lẽ vậy mà anh nghĩ “Sẽ chẳng bao giờ tôi bỏ nghề. Phải theo nghề đến khi nào hết tuổi lao động thì thôi”.

Có nhiều cách gọi về nghề này lắm! “Nghề không bao giờ được sai” hay “Nghề không có chỗ cho sự yếu đuối”…còn tôi lại gọi họ là những người lính. “Lính” đường dây không quân hàm, cấp bậc; “Lính” đường dây “vượt nắng, thắng mưa” , leo núi cao, vượt sông suối…mang ánh sáng điện đến với vùng cao và những bản làng xa xôi… Công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, êm trôi nhưng vẫn có những niềm vui nho nhỏ khi các anh nhận sự giúp đỡ, cái bắt tay thân tình của người dân để vơi đi nỗi nhớ nhà…

Thu Anh