Chuyên gia: Ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng làm đô thị là rất đáng lo ngại
(Dân trí) - Tại hội thảo “Quy hoạch phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045” vừa diễn ra hôm qua (11/6), nhiều ý kiến chuyên gia bày tỏ lo ngại về ý tưởng lấn vịnh Đà Nẵng để phát triển không gian đô thị.
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh nội dung mục tiêu “xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, hiện đại, thông minh” trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch)
“Không nên làm mất đi vẻ đẹp hiếm có của vòng cung vịnh Đà Nẵng”
PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phát biểu ý kiến trên tại hội thảo. Theo PGS.TS Thiên, cả Việt Nam, hiếm thấy đường vòng cung nào đẹp như đường vòng cung vịnh Đà Nẵng. Không nên làm mất đi vẻ đẹp đó với ý tưởng lấn vịnh để phát triển đô thị trong dự thảo Quy hoạch.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần nghiên cứu lại định hướng phát triển không gian đô thị nghiêng về phía biển của Đà Nẵng. Với một bên là núi Hải Vân, một bên là bán đảo Sơn Trà, vịnh Đà Nẵng có dòng hải lưu rất khác biệt. Làm đô thị biển thì toàn bộ bên trong đều bị ảnh hưởng. PGS.TS Thiên đề xuất ý kiến nên làm mô hình thuỷ cung ở vịnh Đà Nẵng, để người dân có thể đi ra biển bằng hệ thống thuỷ cung bên dưới.
Ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cũng góp ý Đà Nẵng cần hết sức thận trọng với ý định lấn vịnh để phát triển đô thị ở Đà Nẵng được “tô đậm” trong dự thảo Quy hoạch.
Ông Tiếng dẫn lại ý tưởng từng được đưa ra trước đây là làm mô hình lấn biển như Dubai ở Đà Nẵng, và nêu ý kiến cân nhắc: “Nên nhớ Dubai lấn vịnh Ba - Tư có tổng diện tích mặt nước hơn 251 nghìn km2. So với Dubai thì diện tích mặt nước của vịnh Đà Nẵng quá nhỏ bé. Đó là còn chưa kể vịnh Đà Nẵng là đầu ra của sông Cu Đê, và nhất là sông Hàn. Diện tích mặt nước của vịnh Đà Nẵng bị thu hẹp chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy của hai con sông này. Bài toán tác động môi trường đặt ra sẽ rất khó cho Đà Nẵng giải đáp khi làm đô thị biển”.
Tham dự chủ tọa hội thảo cùng lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng, TS. Trần Du Lịch - thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nêu ý kiến rằng nếu đã đưa ra ý tưởng làm mô hình đô thị biển như Dubai ở Đà Nẵng thì phải đánh giá, xem xét rất kỹ lưỡng mọi mặt, nhất là đánh giá tác động môi trường. “Động tới thiên nhiên là tác động môi trường” - TS. Trần Du lịch nhấn mạnh.
“Quy hoạch Đà Nẵng, phải đảm bảo phát triển đô thị xanh, bền vững”
“Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố xanh, hiện đại, thông minh” là chủ điểm trong mục tiêu của Quy hoạch. Với tổng diện tích gần 13 nghìn km2, bờ biển dài hơn 90km, dân số khoảng 1,06 triệu người, và địa thế sẵn có, theo các chuyên gia, việc phát triển Đà Nẵng thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia, hơn nữa là cấp quốc tế, là điều hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều chuyên gia đã lưu ý rằng, cùng với sự phát triển đô thị nghiêng về phía biển, việc khai thác quỹ đất chưa hiệu quả, làm cạn kiệt nguồn đất dự trữ để phát triển không gian công cộng, hạ tầng đô thị bị quá tải, ô nhiễm môi trường biển, thiếu nước sạch… đang là những “mối nguy” đe doạ sự phát triển bền vững đô thị Đà Nẵng.
Trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển đô thị ở Đà Nẵng, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia Quy hoạch kiến trúc đô thị lưu ý: Nhà đầu tư nào cũng muốn tối đa hoá diện tích xây dựng và có phần coi nhẹ việc dành diện tích cho không gian xanh. Trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển không gian đô thị, chính quyền thành phố cần chú trọng hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng giữ tỷ lệ 30 - 40% phủ xanh. Điều này cũng góp phần xây dựng đô thị xanh ở Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng bày tỏ băn khoăn: Trong Quy hoạch, có một điểm nêu: phát triển Sơn Trà thành khu đô thị sinh thái. Bây giờ, rất nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà hoạch định chiến lược xây dựng “khu đô thị sinh thái”. Cần làm rõ các yếu tố của “khu đô thị sinh thái”. Nếu không thì phát triển đô thị sinh thái lại làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, không đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị xanh, bền vững.
Tâm An