1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia Việt Nam nhìn nhận về khả năng suy thoái kép

Với những gì đang diễn ra hiện nay, kinh tế Việt Nam khó có thể quay lại thời kỳ trước năm 2007, song chúng ta cũng có một số điểm sáng về xuất khẩu, tăng trưởng...

Triển vọng nền kinh tế thế giới là một nội dung được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ đang diễn ra đầu tuần này (trong hai ngày 30 và 31/8).

Theo báo cáo trên, trong thời gian tới, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn một số khó khăn, thách thức có thể đe doạ đến quá trình phục hồi như nguy cơ giá dầu tăng vọt, biến động tỷ giá hối đoái của các đồng tiền lớn và diễn biến bất lợi khó lường trong thị trường tài chính thế giới.

Xin giới thiệu nhận định của một số chuyên gia để bạn đọc tham khảo.

Khoảng lặng cần thiết để nhìn lại

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

“Cho đến thời điểm này, kinh tế thế giới vẫn đang trong đà phục hồi. Trong xu hướng đó, kinh tế Đông Á có sự phục hồi mạnh mẽ hơn do nó chỉ chịu ảnh hưởng chủ yếu là vấn đề xuất khẩu, không ảnh hưởng trực tiếp nhiều đến cuộc khủng hoảng tài chính.

Tuy nhiên, thế giới có chung điểm là nguồn lực nhà nước không phải vô tận nên việc nhà nước thay thế tư nhân để đầu tư, tiêu dùng nhằm hạn chế khủng hoảng và duy trì sự phục hồi thì không thể kéo dài mãi được, nên chắc chắn phải có thời gian để rút lui.

Tất nhiên, chiến lược rút lui như thế nào sẽ phụ thuộc vào từng nước và đây cũng là việc khá nhạy cảm và khó khăn.

Bên cạnh đó, cho dù các chỉ số về tăng trưởng, phục hồi càng ngày càng cải thiện song tính bất định, rủi ro của kinh tế thế giới vẫn còn cao. Những vấn đề của hệ thống tài chính vẫn còn, chẳng hạn như nợ công, lạm phát... vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá mức độ rủi ro cao như năm ngoái.

Do vậy, không ít người cho rằng, khả năng về một cuộc suy thoái kép là có thể xảy ra. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia khẳng định rằng, với tình hình hiện nay thì khả năng xảy ra suy thoái kép là rất nhỏ.

Bên cạnh đó, bình luận về tình hình và triển vọng kinh tế thế giới thì quan điểm của châu Âu và Mỹ vẫn đang khác nhau. Trong khi châu Âu cho rằng, cần có một chính sách tài khóa nghiêm minh, khủng hoảng sẽ tiếp tục xói mòn, dẫn đến kinh tế khó có thể phục hồi được thì Mỹ lại có quan điểm, lạm phát hiện nay chưa phải vấn đề, nhà nước vẫn phải thực hiện chính sách tài khóa để kích thích kinh tế, tiếp tục duy trì chính sách thâm hụt ngân sách.

Qua quan sát tình hình, có thể thấy quan điển châu Âu có vẻ khả quan hơn, nhưng để kiểm chứng thì cần phải có thời gian. Với thực tế thế giới, tôi cho rằng, khó có khủng hoảng kép nổ ra.

4 bất ổn và rủi ro tiềm ẩn

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

“Nhìn chung, diễn biến kinh tế thế giới tháng 7/2010 cho thấy quá trình phục hồi vẫn đang tiếp diễn, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước. Mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 lên 4,6%, nhưng có thể thấy nền kinh tế thế giới vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn và rủi ro tiềm ẩn.

Thứ nhất, kinh tế thế giới có nguy cơ lâm vào suy thoái kép do dấu hiệu giảm phát đang lan rộng tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật và khu vực đồng Euro.

Thứ hai, thất nghiệp vẫn chưa được cải thiện ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 6/2010 vẫn duy trì ở mức cao 9,5%, ở châu Âu là 10%, trong khi Cục Thống kê Nhật Bản cho biết thất nghiệp ở nước này tiếp tục tăng từ 5,2% trong tháng 5 lên 5,3% tháng 6/2010 - mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Thứ ba, thâm hụt và nợ công vẫn đang ở mức báo động tại nhiều quốc gia.

Thứ tư, rủi ro từ phát triển quá nóng của Trung Quốc, bong bóng nhà đất của Trung Quốc đang có nguy cơ “sụp đổ” và sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng quốc gia, gây tác động bất lợi đến phục hồi kinh tế toàn cầu”.

Quan trọng nhất là lạm phát

TS. Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS)

“Gần đây, cụm từ “suy thoái kép” đã trở nên phổ biến được dùng bởi các nhà phân tích cả trong và ngoài nước khi nói về những lo ngại của giới đầu tư về triển vọng kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán.

Để hiểu bản chất, trước hết tôi xin lưu ý rằng “suy thoái kép” hàm ý rằng “suy thoái” có thể trở lại chỉ sau một thời gian ngắn hồi phục kinh tế. “Suy thoái” là một trạng thái kinh tế mà trong đó thường là GDP và các biến số kinh tế quan trọng khác như việc làm, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ có sự sụt giảm nghiêm trọng trong một thời gian dài.

Để xác định xem liệu “suy thoái kép” có xảy ra, cần thiết phải nhìn nhận nguyên nhân tạo ra những sụt giảm nghiêm trọng nêu trên. Thực sự, có rất nhiều nhân tố được cho là tác nhân, nhưng theo quan điểm của tôi điều dễ nhìn thấy nhất là lạm phát.

Khi lạm phát xảy ra, cá nhân và hãng sản xuất thường sẽ có xu hướng cắt giảm chi tiêu và chi phí, tạo ra sự sụt giảm về năng lực sản xuất và việc làm. Một nhân tố quan trọng tạo ra lạm phát là vấn đề tiền rẻ, nghĩa là chính sách tiền tệ lỏng, điều đã xảy ra trong những năm 2004 - 2007 trước khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế diễn ra trong những năm 2008 - 2009.

Một đặc điểm hết sức đáng lưu ý là suy thoái xảy ra sau khi lạm phát tăng cao, và trong thời kỳ suy thoái thì lạm phát sẽ được duy trì ở mức rất thập hoặc giảm phát và khi lạm phát tăng trưởng trở lại thì đó là lúc kinh tế tăng trưởng trở lại.

Các nhà phân tích thường có một quan niệm sai lầm rằng một khi suy thoái lớn xảy ra thì sự hồi phục cũng phải lớn như vậy, và do vậy họ sẽ nghĩ rằng chúng ta cần phải tăng trưởng thật nhiều, nếu không thì đó là suy thoái. Sự thật thì thế giới đã có sự hồi phục, nhưng đó là một sự hồi phục nhỏ, và kinh tế thế giới sẽ còn nhiều khó khăn cho tới cuối năm nay.

Sẽ không có tái khủng hoảng

TS. Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương

“Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới đang trên đà suy giảm, nhiều nhà đầu tư đã nảy sinh suy nghĩ “liệu thế giới có suy thoái kép hay không?”. Trả lời vấn đề trên cần phải phân tích xu thế, động thái tăng trưởng của ba khu vực chính gồm Mỹ, khu vực EU và các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ.

Kinh tế Mỹ chính là ngòi nổ của cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, mặc dù đã qua khủng hoảng, nền kinh tế đã dần hồi phục nhưng hai căn bệnh lớn của nền kinh tế này chưa được giải quyết là thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách.

Với châu Âu, kinh tế khu vực này đã phát đi tín hiệu giảm tốc từ Hy lạp và Bồ Đào Nha. Rất may nền kinh tế lớn nhất của châu Âu, kinh tế Đức đang có sự thể hiện xuất sắc. GDP của Đức tăng 2,2% trong quý 2 vừa qua, đây là mức cao nhất kể từ năm 1990. Các nền kinh tế khác có mức tăng khá khiêm tốn, Pháp đạt mức 0,6%, Tây Ban Nha chỉ đạt 0,2% trong quý 2 trong khi đó Hy lạp tăng trưởng âm 1,5% trong quý 2.

Châu Âu có thể suy thoái không? Khu vực này khó có thể khủng hoảng nặng nề nếu nền kinh tế Đức, Pháp, Anh không gục ngã.

Với kinh tế châu Á, Trung Quốc vẫn là quốc gia tăng trưởng mạnh nhất thế giới với tốc độ 10,3% trong quý 2/2010 so với cùng kỳ, giảm so với tỷ lệ 11,9% trong quý 1. Khả năng nền kinh tế này tăng trưởng trên 9% trong năm 2010 là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm tốc khi chi phí lao động của nền kinh tế này gia tăng.

Trái ngược với Trung Quốc, Nhật Bản đang gặp phải sự trì trệ trong tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới này chỉ đạt 0,1% trong quý 2/2010. Đồng Yên lên giá so với USD càng làm cho nền kinh tế “hướng ngoại” của Nhật thêm khó khăn. Với dân số già, chi phí lao động đắt dù lãi suất thấp cũng không thể kỳ vọng nền kinh tế Nhật có sự tăng trưởng cao.

Trong tháng 4, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,9% lên 4,2 %. Tuy nhiên với những thông tin mới về kinh tế Mỹ và Nhật Bản thì dự báo của IMF có thể hơi lạc quan.

Vậy thế giới có xảy ra suy thoái kép hay không? Theo tôi, không có tái khủng hoảng nhưng khả năng tăng trưởng sẽ khá thấp, hồi phục chậm và sẽ khá hơn trong những năm tiếp theo. Tốc độ tăng trưởng chậm là hoàn toàn dễ hiểu khi nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và cả một số nước trong EU vẫn đang có những mất cân đối vĩ mô “thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại”.

Theo Minh Đức - Từ Nguyên
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm