Chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam kiếm hơn 88.000 USD mỗi năm

(Dân trí) - Tính trung bình các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam kiếm được 88.096 USD mỗi năm và 36% trong số họ có thu nhập tăng 25% từ khi chuyển tới đây.

Expat Explorer - Khảo sát chuyên gia nước ngoài của HSBC, một nghiên cứu về đời sống chuyên gia nước ngoài có bề dày lịch sử và quy mô lớn nhất trên thế giới vừa công bố dữ liệu thu nhập của các chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu.

Báo cáo mới nhất của cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy thu nhập của các chuyên gia nước ngoài tăng 25% so với khi họ làm việc tại quê nhà. Trung bình mỗi người hằng năm kiếm được 99.903 đô la Mỹ. Đặc biệt, khoảng 14% cho biết thu nhập của họ tăng ít nhất gấp đôi.

Theo báo cáo, chuyển đến làm việc ở các nước Vùng Vịnh và Thụy Sĩ có thể giúp cho thu nhập gia tăng đáng kể. Các chuyên gia nước ngoài ở Ả Rập Saudi, Thụy Sĩ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Qatar và Kuwait có mức tăng trưởng thu nhập lần lược là 58%, 54%, 50%, 48% và 46%. Với thu nhập trung bình 193.006 đô la Mỹ, gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu, các chuyên gia nước ngoài tại Thụy Sĩ là những người kiếm được nhiều tiền nhất.


Theo bản khảo sát, các chuyên gia nước ngoài chuyển đến Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó, ba lý do phổ biến nhất là: tìm kiếm một thách thức mới (46%), cải thiện chất lượng sống (28%) và đi theo lệnh điều chuyển của công ty (23%).

Theo bản khảo sát, các chuyên gia nước ngoài chuyển đến Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó, ba lý do phổ biến nhất là: tìm kiếm một thách thức mới (46%), cải thiện chất lượng sống (28%) và đi theo lệnh điều chuyển của công ty (23%).

Nhờ chuyển ra nước ngoài làm việc, 57% những người tham gia khảo sát có thu nhập khả dụng nhiều hơn so với trước đây và 52% có thể tiết kiệm nhiều hơn. Họ cũng cho biết là họ đang tiết kiệm và đầu tư chủ yếu cho các mục tiêu tài chính dài hạn như hưu trí (45%), mua thêm hoặc mua bất động sản đầu tiên (34%) và bảo vệ bản thân cũng như gia đình, tài sản (27%).

Có 62% các chuyên gia nước ngoài đang sở hữu bất động sản, trong đó 37% sở hữu bất động sản tại quốc gia nơi họ đang sống và làm việc, 32% có bất động sản tại quê nhà, 9% có bất động sản ở cả hai nơi. Các tỷ lệ này đều cao hơn những người cùng vị thế với họ đang sống tại quê nhà. Cụ thể, trong khi tỷ lệ sở hữu nhà ở tại Vương Quốc Anh là 63,5%, Nhật Bản là 61,6% , Đức 51,9% và Hồng Kông là 51%, cuộc khảo sát cho thấy các chuyên gia nước ngoài đến từ những quốc gia này có tỷ lệ ở hữu bất động sản lần lượt là 75%, 67%, 53% và 63%.

Trong khi đó, tính trung bình các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam kiếm được 88.096 đô la Mỹ mỗi năm và 36% trong số họ có thu nhập tăng 25% từ khi chuyển tới đây. Gần 3/4 (72%) cho biết họ tiết kiệm được nhiều hơn và hơn 2/3 (67%) đồng ý rằng thu nhập khả dụng của họ đã cải thiện hơn so với khi họ ở quê nhà. Cả hai tỷ lệ này đều cao hơn mức trung bình toàn cầu đã đề cập ở trên. Mục đích chủ yếu của việc tiết kiệm hoặc đầu tư vẫn là hưu trí (37%), kế đó là mua thêm hoặc mua bất động sản đầu tiên (29%).

Tuy nhiên, liên quan đến sở hữu nhà ở, chưa đầy 1/5 (18%) trong số họ có sở hữu bất động sản tại Việt Nam, chỉ bằng phân nửa so với tỷ lệ trung bình toàn cầu. Có 43% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam chưa sở hữu bất cứ bất động sản nào tại đây hoặc tại quê nhà của họ.

Các chuyên gia cũng nhận được các lợi ích vật chất khác khi chuyển ra nước ngoài sinh sống. Gần phân nửa (48%) chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nói rằng họ có nhiều kỳ nghỉ hơn, đồng thời tận hưởng nhiều hơn các dịch vụ liên quan đến nhân lực địa phương như giúp việc và chăm trẻ (46%), và có nơi ở tiện nghi hơn (45%).

Theo bản khảo sát, các chuyên gia nước ngoài chuyển đến Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó, ba lý do phổ biến nhất là: tìm kiếm một thách thức mới (46%), cải thiện chất lượng sống (28%) và đi theo lệnh điều chuyển của công ty (23%). Với các kỳ vọng này, gần phân nửa (47%) đồng ý rằng Việt Nam là một nơi tốt để họ phát triển sự nghiệp, một tỷ lệ thấp hơn mức trung bình toàn cầu (54%).

Các chuyên gia nước ngoài tại Mỹ và Trung Quốc là những người có mức độ đồng ý cao nhất rằng hai quốc gia này là nơi tốt nhất để họ phát triển sự nghiệp với các tỷ lệ đồng thuận lần lượt là 73% và 70%.

Gói tuyển dụng chuyên gia thường đi kèm nhiều ưu đãi. Có tới 79% các các chuyển gia nước ngoài tại Việt Nam nhận được các ưu đãi cộng thêm trong hợp đồng lao động, phổ biến nhất là phụ cấp y tế và chăm sóc sức khỏe (49%), phụ cấp chỗ ở và phụ cấp vé máy bay về thăm nhà hằng năm (đều 42%). Các tỷ lệ này tính trung bình toàn cầu lần lượt là 44%, 20% và 19%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có những mối lo lắng khi sống và làm việc ở nước ngoài. Mặc dù 53% các chuyên gia nước ngoài trên toàn cầu cảm thấy lạc quan về nền kinh tế tại quốc gia chủ nhà, vẫn có gần 1/3 (31%) lo ngại về sự bất ổn của kinh tế toàn cầu và bất ổn chính trị trên thế giới (29%). Theo họ, đây chính là những yếu tố có thể tác động lớn nhất đến an toàn tài chính của họ.

Đối với Việt Nam, bức tranh có đôi chút khác biệt. 2/3 (67%) các chuyên gia nước ngoài cho biết họ cảm thấy lạc quan về kinh tế Việt Nam nhưng những vấn đề có thể ảnh hưởng lớn nhất đến an toàn tài chính của họ chính là những hạn chế đối với chuyển tiền quốc gia (43%), tỷ giá ít cạnh tranh và sự bất ổn của kinh tế thế giới (đều 34%).

An Hạ