1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia nói gì về vấn đề môi trường đối với nhà đầu tư Trung Quốc?

(Dân trí) - Khi nhắc đến các nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng nhà máy trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều người thường lo ngại về vấn đề môi trường. Chuyên gia bảo vệ môi trường cho rằng, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn thực hiện các dự án đều phải qua các khâu thẩm định về môi trường rất kỹ càng và chúng ta có công cụ quản lý nên hoàn toàn yên tâm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ngành giấy, luyện thép,…thường được xếp vào nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao vì lượng nước thải ra rất lớn. Do đó, khi nhắc đến các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đầu tư về lĩnh vực này trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều người thường lo lắng về vấn đề môi trường, vì cho rằng các nhà đầu tư này sử dụng công nghệ kém, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Về quan điểm trên, bà Vũ Huyền Phương - Phó phòng Bảo vệ môi trường (Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta không nên suy nghĩ cực đoan đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

“Chúng ta phải đánh giá cụ thể công nghệ của nhà đầu tư đó là gì, chứ không nên nghĩ cứ nhà đầu tư Trung Quốc thì công nghệ kém, gây ô nhiễm. Chính vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, xem xét cụ thể từng trường hợp cụ thể chứ không nên đánh đồng và chúng ta hoàn toàn đủ trình độ, công cụ quản lý để kiểm soát việc này. Các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc họ sử dụng công nghệ rất hiện đại chứ không phải là công nghệ cũ, lạc hậu. Mặt khác, pháp luật đã có quy định xử phạt rất rõ ràng trong lĩnh vực này, ngoài xử lý hành chính còn phải xử lý hình sự” – bà Phương nói.

Đồng quan điểm với bà Phương, tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hiện nay các nhà đầu tư lớn của Trung Quốc thường sử dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Châu Âu, chính vì thế mà sản phẩm của họ đủ sức cạnh tranh tại các thị trường lớn trên thế giới.

Nói về câu chuyện kiểm soát môi trường đối với nhóm ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao như ngành giấy, bà Phương cho biết: Ban đầu đối với từng loại dự án và quy mô dự án thì nhà đầu tư phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tuân theo các quy định cụ thể; sau đó nhà máy muốn hoạt động còn phải qua khâu xác nhận các công trình bảo vệ môi trường (xử lý chất thải), được cấp phép xả thải,…

“Hiện nay, các nhà máy giấy lớn thì xử lý môi trường rất tốt. Ở đây họ có hệ thống quan trắc môi trường tự động kết nối trực tiếp với Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để kiểm soát các thông số ô nhiễm, nếu vượt quá sẽ xử lý kịp thời. Ngoài ra, các nhà máy này còn quan trắc cả vấn đề khí thải, quản lý chất thải nguy hại theo quy định rất chặt chẽ. Các vấn đề này được làm tốt thì hoàn toàn yên tâm về vấn đề môi trường” – bà Phương cho biết.

Khi được hỏi công đoạn nào quyết định vấn đề môi trường của nhà máy giấy, bà Phương cho biết: Nhà máy giấy quan trọng là hệ thống xử lý môi trường, nhất là nước thải, điều này đã được báo cáo trong đánh giá tác động môi trường. Theo bà Phương, đối với các dự án lớn thì câu chuyện về bảo vệ môi trường không đáng lo ngại lắm, đối với ngành giấy chủ yếu các cơ sở sản xuất nhỏ như ở Phong Khê (Bắc Ninh) thường lại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, mặc dù là quy mô hộ gia đình nhưng với hàng trăm nhà máy nhỏ này cùng xả thải ra môi trường thì không khác gì nhà máy giấy lớn.

Bà Phương cảnh báo, các cơ sở sản xuất giấy tái chế như nói ở trên thường có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Như các cơ sở ở Phong Khê (Bắc Ninh), tại đây nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các cơ sở này mới có công suất 5.000m3/ngày đêm nên chỉ đáp ứng 50% công suất. Chính vì vậy, địa phương này cần đặc biệt chú ý tới vấn đề môi trường của các cơ sở này vì thuộc thẩm quyền quản lý địa phương.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang yêu cầu các nhà máy xả thải lớn phải làm thêm hồ sự cố, để trong trường hợp hệ thống quá tải thì sẽ không bị xả ra môi trường mà sẽ lưu trong hồ này, sau đó sẽ cho quay lại hệ thống xử lý. Hiện nay, một số nhà máy đã triển khai xây dựng hồ sự cố này, nhưng vẫn còn ít, vì còn vướng nhiều thứ như không phải nhà máy nào cũng có quỹ đất để làm, vì hồ sự cố theo quy định phải gấp 3 lần dung tích xả thải. Thực ra, hồ sự cố không có trong quy định của của ĐTM, nhưng mà để tăng cường công tác bảo vệ môi trường thì Bộ TN&MT đang yêu cầu các dự án, nhà máy phải thực hiện việc này.

“ĐTM cũng chỉ là một công cụ để quản lý, vì ĐTM được xây dựng từ khi dự án chưa bắt đầu, chưa hình thành, thì trong báo cáo có thể thay đổi rất nhiều, tất nhiên không thể thay đổi công nghệ lõi, nhưng có thể thay đổi một số hạng mục, thậm chí có thể tốt lên. Nhưng như nói ở trên là chỉ khi qua khâu xác nhận công trình bảo vệ môi trường (xử lý chất thải) đảm bảo thì mọi thứ coi như hoàn chỉnh thì mới được phép xả thải ra môi trường” – bà Phương nhấn mạnh.

Cuối cùng bà Phương lưu lý, đối với các dự án lớn, các nhà đầu tư đều phải thông qua đánh giá tác động môi trường. Sau đó, muốn hoạt động thì phải qua khâu xác nhận công trình xử lý chất thải và cuối cùng là cấp phép xả thải nếu đạt chuẩn. Do đó, dù nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài đều phải trải qua các khâu này, các chế tài xử phạt nếu vi phạm là như nhau nên chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về công tác bảo vệ môi trường của các dự án quy mô như vậy.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm