1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chuyên gia nói gì về mục tiêu tăng GDP 5,5%?

(Dân trí) - “Nếu đẩy GDP cao hơn trong khi nguồn lực thực tế có giới hạn sẽ kéo theo CPI tăng lên, khiến đời sống của nhân dân khó khăn hơn. Trong bối cảnh tâm lý, niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, đạt được mục tiêu tăng GDP 5,5% cũng là thành công”.

Đại biểu Quốc hội Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã cho biết như vậy khi nói về chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua sáng 8/11.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (phải) trao đổi bên hàng lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (phải) trao đổi bên hàng lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Ông đánh giá như thế nào về chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua?

Tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam có thể cao hơn (khoảng 7%/năm) nhưng trong bối cảnh tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài, nếu đạt được mục tiêu tăng GDP 5,5% cũng có thể coi là thành công.

Nhưng năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, việc xây dựng chỉ tiêu tăng GDP ở mức thấp như vậy có dồn sức ép tăng trưởng trong hai năm cuối không?

Đây là điều không thể tránh khỏi. Phải nhìn thẳng vào thực tế là tăng trưởng GDP của cả giai đoạn 5 năm 2011 - 2015 nhiều khả năng sẽ không đạt được như kế hoạch đã đề ra ( bình quân khoảng 7% - 7,5%/năm).

Theo dự đoán, kinh tế thế giới sẽ chưa có nhiều triển vọng phục hồi trong thời gian tới. Những vấn đề kinh tế nội tại vẫn cần thêm thời gian, nguồn lực để khắc phục nên để đạt GDP bình quân như mức chúng ta từng kỳ vọng là rất khó. Nhận thức như vậy để chúng ta tiếp tục kiên định mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013 để tạo nền tảng vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng, với mức tăng trưởng 5,5%/năm, các doanh nghiệp sẽ khó mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đánh giá của ông, chúng ta sẽ phải giải quyết bài toán tình trạng thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng thế nào?

Tất cả chính sách kinh tế luôn có hai mặt. Nếu chúng ta đẩy GDP cao hơn trong khi nguồn lực thực tế có giới hạn sẽ kéo theo chỉ số CPI tăng lên, khiến đời sống của nhân dân thậm chí sẽ khó khăn hơn. Tôi cho rằng, áp lực giải quyết việc làm trong năm tới sẽ không dễ giải quyết và đây là điều chúng ra phải chấp nhận khi theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Để giải quyết bài toán an sinh xã hội, cùng với duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng. Tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 8% vẫn là cao so với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế được thể hiện như thế nào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, thưa ông?

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012; Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nhưng theo quan điểm của tôi, trong năm 2013, chúng ta phải tập trung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tài chính, bởi đây là mạch máu của nền kinh tế. Đối với các tổ chức tín dụng hiện nay, theo quan điểm của tôi, trong năm 2013 phải xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém để bảo đảm tính thanh khoản, bảo đảm xử lý tốt nợ xấu của ngân hàng thông qua việc thành lập công ty mua bán, xử lý nợ xấu. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng nợ xấu hiện nay?

Ngân hàng Trung ương có thể bơm tiền ra để có thêm tiền giải quyết nợ xấu. Nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế thôi vì nó sẽ dẫn tới lạm phát cao. Về cơ bản thì cần tập trung tiến hành cơ cấu lại ngân hàng và cơ cấu lại doanh nghiệp để làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng và của các doanh nghiệp. Biện pháp lâu dài để xử lý nợ xấu là tập trung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Tuy nhiên, trước mắt, cần cơ cấu lại nợ theo hướng tạo điều kiện để những doanh nghiệp chỉ mất cân đối tạm thời, vẫn được vay vốn để duy trì sản xuất, qua đó có thể phát triển và có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Thứ hai, cần có giải pháp cơ cấu lại nợ của các ngân hàng. Vì hiện nay, các ngân hàng nợ xấu nhiều nhưng họ lại có tài sản thế chấp.

Kinh nghiệm của các nước trong trường hợp này là Chính phủ phải đứng ra can thiệp. Thông qua các công ty mua bán nợ, Chính phủ có thể can thiệp để mua lại nợ để giúp làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng, giúp doanh nghiệp xử lý được khó khăn và khôi phục lại mối quan hệ tài chính tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Khi Chính phủ bỏ tiền ra xử lý nợ xấu cho cả hệ thống ngân hàng cũng như của toàn bộ nền kinh tế thì sau một thời gian, khi nền kinh tế phục hồi được thì tài sản Chính phủ đứng ra mua lại có thể bán đi để thu hồi lại nợ. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước đã làm để xử lý nợ xấu.

Ông đánh giá thế nào về chủ trương phát hành thêm 60.000 tỷ đồng trái phiếu công trình để thực hiện 2 công trình giao thông lớn vừa được Quốc hội thông qua?

Tôi cho rằng, đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Việc phát hành trái phiếu công trình và huy động các hình thức đầu tư khác để mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 như BOT, BT, PPP ngoài việc tháo gỡ một trong những điểm nghẽn lớn về giao thông còn hỗ trợ các nhà thầu trong nước nâng cao năng lực để tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng quy mô lớn. Bên cạnh đó, khi nới một chút tài khóa thông qua việc bơm ra một lượng vốn khá lớn sẽ kích thích tăng tổng cầu của nền kinh tế, vực dậy lĩnh vực xây dựng vốn tăng trưởng âm trong 2 năm qua.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền (ghi)