1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu lãi vay 14-15%/năm

Thảo Thu

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định lãi vay vẫn cao sẽ gây ra nhiều rủi ro với nền kinh tế. Dù vậy, áp lực tỷ giá giảm do USD khó "sốt" trở lại là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành.

Kinh tế Việt Nam: Phải dựa vào nội lực

Phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 do Báo Đầu Tư tổ chức chiều 8/8, ông Nguyễn Bá Hùng - Kinh tế trưởng tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra góc nhìn về kinh thế giới.

Theo ông Hùng, nửa cuối năm nay và năm 2024, Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất, ít nhất là chưa giảm lãi suất. Tuy nhiên, kinh tế Mỹ vẫn tương đối tốt. Ông dự báo không diễn ra tình trạng suy thoái năm nay.

Trong khi đó, kinh tế châu Âu đang có dấu hiệu suy thoái. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc vốn được coi là động lực tăng trưởng kinh tế khu vực lại không phục hồi như kỳ vọng sau khi mở cửa nền kinh tế hậu Covid-19. Ông Hùng cho biết, Trung Quốc đã phải chuyển hướng sang chính sách tiền tệ mở rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu lãi vay 14-15%/năm - 1

Việt Nam vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Kinh tế trưởng ADB còn chỉ ra một "vòng xoáy" mới xuất hiện là sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cụ thể, Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu, trong khi Mỹ, châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử. Điều này khiến chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu sẽ có biến động, từ đó tác động đến Việt Nam - vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.

"Môi trường kinh tế quốc tế đang có rất nhiều khó khăn và chúng ta phải dựa vào nội lực của mình là chính", ông Nguyễn Bá Hùng nhận định.

Tỷ giá khó "sốt" trở lại

Tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Ông Nghĩa chỉ ra nhiều doanh nghiệp đang phải chịu lãi vay 14-15%/năm, bất chấp nỗ lực giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nghĩa chỉ ra một trong những nguyên nhân lãi suất đang khá cao là do ngành ngân hàng phải dè chừng biến động tỷ giá. Tuy vậy, theo ông, năm nay USD khó "sốt" trở lại.

Theo ông Nghĩa, áp lực tỷ giá thời gian tới không còn mạnh. Ông dự đoán tỷ giá năm 2023-2024 sẽ duy trì ổn định.

"Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi", ông Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Về lãi suất, theo ông Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán.

"Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước giảm thêm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp", ông Nghĩa nói.

Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - chỉ ra thực trạng "sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp".

Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp vẫn đang chịu lãi vay 14-15%/năm - 2

Chuyên gia cho rằng có quá ít chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Ông Nguyễn Đình Cung đề cập đến câu chuyện cải cách môi trường kinh doanh. Theo ông, trong bối cảnh khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.

Ông Cung cho rằng không thể giải quyết ngay được tất cả mọi vấn đề, nhưng có thể chọn 2 vấn đề để thực hiện ngay. Ông đề xuất 2 "điểm nóng" cần gỡ ngay là việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và vấn đề về quy định về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy - hiện làm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp quá cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm