1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chuyên gia ngoại: Việt Nam không cần lo cạnh tranh Trung Quốc để hút vốn

Việt Đức

(Dân trí) - Đại diện các định chế tài chính, chủ đầu tư khu công nghiệp ngoại cho rằng nếu Việt Nam cải thiện logistics, thủ tục hành chính, dòng vốn lớn sẽ tự tìm đến.

Chia sẻ tại diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2022 ngày 24/5, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C, nhấn mạnh Việt Nam không nhất định phải tư duy cạnh tranh với Trung Quốc trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ cần một lượng nhỏ doanh nghiệp ở vài tỉnh của Trung Quốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam thì các khu công nghiệp trong nước sẽ được lấp đầy. 

Ông phân tích thực tế các doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyển dịch một phần sản xuất khỏi Trung Quốc là đúng nhưng quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ luôn là công xưởng của cả thế giới. Theo ông, Việt Nam không nên quá quan tâm các chiến lược như "Trung Quốc + 1" mà tập trung vào nâng cao hiệu quả của chính nền kinh tế. 

Một vấn đề nổi cộm tại Việt Nam, theo ông Jaspaert, là sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng, dẫn đến khó khăn về logistics. "Giải quyết được chi phí logistics là xong luôn, Việt Nam có thể quên luôn Trung Quốc, không cần phải cạnh tranh", ông phát biểu tại sự kiện do Báo Đầu tư tổ chức. Ví dụ, nếu có đường cao tốc nối Thẩm Quyến với Việt Nam, việc vận chuyển bằng đường bộ sẽ rất hiệu quả, dễ dàng, doanh nghiệp không cần đến các hãng tàu vận tải biển có chi phí cao hơn.

Ngoài ra, ông Jaspaert cho biết Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính về đầu tư. Ông nhấn mạnh khi tạo ra môi trường sống tốt, thu hút được nhiều người trên thế giới đến sống và làm việc tại Việt Nam, nguồn vốn cũng sẽ đi theo.

Trong khi đó, ông Pao Jirakulpattana, Phó chủ tịch Warburg Pincus (Singapore), cho rằng Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt trong khu vực ASEAN với mức tăng trưởng GDP ổn định nhiều năm nay. 

Chuyên gia ngoại: Việt Nam không cần lo cạnh tranh Trung Quốc để hút vốn - 1

Đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp ngoại thảo luận về giải pháp để Việt Nam đón thêm dòng vốn ngoại (Ảnh: Lê Toàn).

Ông Jirakulpattana đưa ra khuyến nghị Việt Nam không nên thu hút nhà đầu tư ở cả mọi lĩnh vực, thay vào đó xác định những ngành có xu hướng tăng trưởng tốt trong 10-15 năm tới để mời gọi. Việt Nam bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài nhờ những ngành tận dụng lao động giá rẻ nhưng về lâu dài sẽ cần các ngành kinh tế trọng điểm, phát triển hệ sinh thái xung quanh những lĩnh vực này.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia thay đổi chiến lược đầu tư.

Trong năm 2021, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thống kê cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng 9% so với cùng kỳ 2020, đạt hơn 31 tỷ USD. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng, đặc biệt vốn đầu tư mở rộng tăng mạnh tới 40,5%. 

Còn từ đầu năm đến nay, vốn FDI đăng ký đạt gần 11 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư tăng thêm đạt 5,3 tỷ USD, tăng 93% so với cùng kỳ.

Ông Đông cho biết Việt Nam đã và đang chuẩn bị những yếu tố cần thiết để sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới. Các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đẩy mạnh nâng cao tính thông thoáng của môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án một cách có chọn lọc, ưu tiên nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, phát triển bền vững. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm