Chuyên gia ngoại: Khách Trung Quốc quay lại là cú hích với kinh tế Việt Nam

Việt Đức

(Dân trí) - Trong bối cảnh ngành sản xuất đang đối diện thách thức lớn, du lịch được chỉ ra sẽ là trụ đỡ quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay khi thị trường khách trọng điểm là Trung Quốc hồi phục.

Dựa trên số liệu về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tháng đầu năm, nhóm nghiên cứu của HSBC đưa ra nhận định, du lịch sẽ là nguồn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của Việt Nam năm nay trong bối cảnh nhiều lĩnh vực đang bị ảnh hưởng rõ rệt bởi các khó khăn bên ngoài. 

Năm ngoái, Việt Nam đã ghi nhận trên 100 triệu lượt du khách nội địa nhưng khách quốc tế mới chỉ đạt 3,6 triệu lượt - tương đương khoảng 20% so với con số của năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19. Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu thu hút 102 triệu lượt khách du lịch nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%.

Một tín hiệu vui là Trung Quốc - thị trường khách lớn nhất của Việt Nam trước đại dịch đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại. Mặc dù quá trình phục hồi có thể diễn ra từ từ nhưng tác động đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn xét trên nhiều phương diện, theo HSBC.

Trước đây, trung bình khách du lịch Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn và ở lại lâu hơn so với hầu hết khách du lịch châu Á, mặc dù các con số này vẫn thấp hơn so với khách du lịch châu Âu và Mỹ. Với tỷ lệ khách Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách trước dịch, Việt Nam có thể là nước hưởng lợi lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Thái Lan, khi tiếp nhận cú hích từ sự quay trở lại của khách du lịch Trung Quốc. 

Chuyên gia ngoại: Khách Trung Quốc quay lại là cú hích với kinh tế Việt Nam - 1

Mức chi tiêu bình quân của khách Trung Quốc kém các nước châu Âu, Mỹ nhưng cao hơn nhiều quốc gia ở châu Á đến Việt Nam (Ảnh: HSBC).

HSBC dự báo nếu có thể giải quyết những hạn chế về chuyến bay và nới lỏng thêm các yêu cầu về thị thực nhập cảnh, tỷ lệ quay trở lại của du khách Trung Quốc đến Việt Nam năm nay có thể đạt 50-80% so với mức trước dịch, tương đương 3-4,5 triệu người.

Ngoài ra, ngành du lịch của Việt Nam còn có thể có những cú hích khác bao gồm các thị trường mới nổi như Ấn Độ. Năm 2022, khách Ấn Độ chiếm 4% tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam trong khi tỷ lệ này trước dịch mới chỉ vỏn vẹn 1%.

Một số giải pháp để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt du khách quốc tế theo nhóm nghiên cứu của HSBC gồm việc nới lỏng thêm chính sách thị thực, câu chuyện cũng đã được các cơ quan quản lý nhìn nhận và thúc đẩy. Ngoài ra, ngành du lịch cũng có thể hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm như du lịch thể thao, cụ thể là du lịch kết hợp chơi golf, sản phẩm thu hút nhóm khách có mức chi tiêu cao.

Ông Michael Kokalari - Kinh tế trưởng của VinaCapital, cũng vừa công bố nghiên cứu ngày 7/2 với quan điểm khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, có thể đạt mức 50% so với trước dịch trong năm nay nhờ sự mở cửa của Trung Quốc. Vì vậy, du lịch sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khi hoạt động sản xuất công nghiệp đang bị ảnh hưởng với sự suy giảm nhu cầu từ các khách hàng lớn trên toàn cầu.

Chuyên gia của VinaCapital kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn vào nửa cuối năm 2023. Khách du lịch Trung Quốc trước dịch chiếm khoảng 1/3 tổng số khách quốc tế của Việt Nam.

Dựa trên kết quả nghiên cứu của Goldman Sachs rằng việc thu hút khách du lịch Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP năm nay của Thái Lan thêm 3% VinaCapital ước tính ngành du lịch phục hồi với sự trở lại của khách Trung Quốc có thể sẽ đóng góp mức tăng 2% vào GDP Việt Nam. Hiện tại, tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GDP của Thái Lan cao hơn 50% so với Việt Nam.