Chuyên gia kinh tế: “Nếu tách khu vực FDI ra, nền kinh tế trong nước thuần túy là nhập siêu”
(Dân trí) - Việt Nam nên gia tăng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và mở rộng nguồn tài chính tư nhân trong nước. Bên cạnh đó, với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì nên tập trung vào chất lượng hơn là thu hút bằng mọi giá.
Đó là một trong nhiều khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam tại buổi công bố báo cáo Tài chính cho phát triển bền vững ở Việt Nam” diễn ra vào chiều nay (11/9).
Theo đó, ông Hồ Đình Bảo, chuyên gia của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết, khu vực FDI có biểu hiện tốt, khiến nền kinh tế tăng trưởng cao. Thực tế, số liệu thống kê cho thấy rằng có một số ngành Việt Nam xuất siêu, nhưng trong đó hầu như đóng góp là từ doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam.
“Đáng nói, nếu tách khu vực FDI ra thì kinh tế trong nước thuần túy chỉ là nhập siêu. Chính sách của chúng ta thu hút FDI bằng mọi giá cho nên chưa tạo ra sân chơi thực sự bình đẳng cho khu vực DN trong nước đặc biệt là khu vực DN tư nhân”, ông Bảo nhận định.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế trong nước chưa thực sự tương xứng với những gì Chính phủ ưu đãi cho khu vực này như ưu đãi thuế và khả năng tiếp cận đất đai.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam nên dừng thu hút FDI bằng thuế và chuyển sang thu hút bằng những điều kiện căn bản về hạ tầng, dịch vụ, cung ứng, nguồn lao động.
“Đầu tư vì những yếu tố này mới chính là đầu tư căn bản cho đất nước chứ không phải đua nhau ưu đãi về thuế. Bên cạnh đó, cần chấm dứt ngay việc các tỉnh cạnh tranh thu hút FDI bằng ưu đãi thuế. Điều này sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam rơi xuống đáy”, ông Bảo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đầu tư FDI tại Việt Nam trong những năm gần đây lại chủ yếu tập trung vào ngành chế biến, chế tạo với chất lượng còn nhiều hạn chế về công nghệ, chuyển giao công nghệ còn thấp.
Do đó, theo ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặc dù đã đưa ra nhiều thuyết sách tuy nhiên đầu tư tư nhân trong nước chưa thể vượt lên trên đầu tư FDI để trở thành then chốt cho phát triển kinh tế.
Theo đó, ông Mạnh cho hay, tốc độ tăng trưởng mức đầu tư tư nhân trong nước tương đối chậm so với các quốc gia khác trong khu vực.
“Vì vậy, thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân trong nước phải được coi là yếu tố chính để phát triển nền kinh tế trong nước bền vững. Khu vực FDI có đóng góp lớn thì DN trong nước phải vươn lên theo kịp và có đóng góp lớn hơn”, ông Mạnh nói.
Ngoài ra, ông Haoliang Xu, Giám đốc UNDP khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho hay, sự phát triển của khu vực FDI tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, nếu khu vực FDI trước đây chỉ tập trung vào số lượng thì sắp tới phải tập trung cả vào chất lượng.
“Việc Việt Nam thu hút đầu tư FDI mà sử dụng ưu đãi thuế quá nhiều cũng phải suy nghĩ và tìm ra cách vượt qua nó. Thu hẹp khoảng cách giữa DN FDI và DN trong nước, giúp họ tăng cường khả năng kết nối cũng như tận dụng chuyển giao công nghệ cũng là mục tiêu Việt Nam cần theo đuổi trong thời gian tới”, ông Xu nói thêm.
Hồng Vân