Chuyên gia kinh tế: Không thể tư duy "sợ thiếu điện thôi, thừa không lo"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, điện không phải hàng hóa thông thường, do vậy không thể tư duy theo kiểu "chỉ sợ thiếu điện, thừa không lo".

Tại tọa đàm về nghịch lý thừa điện mặt trời do VTC tổ chức chiều 15/6, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết vừa qua có sự ồ ạt đầu tư, bùng nổ điện mặt trời. Trong khi đó, không phải chỗ nào cũng phát triển được điện mặt trời.

Theo ông Ánh, mặc dù Việt Nam có nhiều giờ nắng, nhưng thực tế các dự án năng lượng mặt trời lớn tập trung ở phía Nam Trung bộ nên quy hoạch không chỉ thời gian, mà còn là vấn đề không gian, địa điểm...

Chuyên gia kinh tế: Không thể tư duy sợ thiếu điện thôi, thừa không lo - 1

Chuyên gia Vũ Đình Ánh (Ảnh: VTV). 

Điện mặt trời bùng nổ nhưng truyền tải điện không theo kịp. Để đầu tư đường dây 220KV phải mất 2-3 năm, còn đường dây 500KV phải mất 5 năm nên với 6 tháng cho dự án điện mặt trời mà lại phân bổ tập trung thì sẽ tạo ra thế khó, ông Ánh nhận định.

Đánh giá về nghịch lý thừa điện mặt trời có đáng lo hay không, ông Vũ Đình Ánh lý cho biết, nhiều người nói "sợ thiếu điện thôi, thừa không lo". Tuy nhiên thực tế theo ông Ánh hoàn toàn không phải như vậy.

Ông Ánh cho biết, điện không phải mặt hàng bình thường, do vậy không thể tư duy theo kiểu "thừa điện thì tốt" và "không đáng lo" được. Việc thừa điện gây ra nhiều vấn đề của cả hệ thống, vấn đề chi phí…

Theo vị chuyên gia, điện có tính hệ thống rất cao với yêu cầu cân đối giữa sản xuất và tiêu thụ. Chính vì vậy, phát triển điện mặt trời nói riêng, điện nói chung phải tuân thủ nguyên tắc cân đối nghiêm ngặt, cả về quy hoạch, dự phòng và điều độ theo sự biến thiên của cả phía cung và phía cầu.

Chia sẻ thêm về tình trạng không có lưới truyền tải khiến các dự án phải cắt giảm công suất, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - cho biết, các nguồn điện năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió đều là các nguồn năng lượng không liên tục, khả năng điều chỉnh rất hạn chế, khả năng lưu trữ không lớn (với chi phí cao).

Với các đặc điểm nêu trên, trong thời gian qua việc vận hành hệ thống điện đã gặp phải những khó khăn như dự án điện mặt trời tập trung chủ yếu tại một số khu vực có tiềm năng lớn như Nam Trung Bộ, miền Nam.

"Việc đầu tư điện mặt trời diễn ra nhanh trong khi lưới điện truyền tải phân phối chưa kịp bổ sung. Do đó lưới điện tại các khu vực này bị quá tải, dẫn đến phải cắt giảm nguồn điện trong một số thời điểm" - ông Hùng thông tin.

Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, tại nhiều thời điểm, đặc biệt trong ngày nghỉ cuối tuần, dịp nghỉ lễ, Tết hoặc thời gian dài ngày bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phụ tải xuống thấp hơn kế hoạch… trong khi vẫn phải thực hiện duy trì các nguồn điện truyền thống để đảm bảo an ninh hệ thống, dẫn đến quá tải hệ thống nguồn điện. Do đó các nhà máy điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) phải điều chỉnh giảm công suất phát để đảm bảo vận hành an toàn lưới điện và an ninh hệ thống điện.

Nói về tác động của thực trạng dư thừa nguồn điện mặt trời đến hoạt động của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Hồ - Phó Giám đốc Ban Đầu tư Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn - chia sẻ, điều này khiến nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nay nhà máy không thể chạy hết công suất.

"Tình trạng cắt giảm công suất của các nhà máy điện mặt trời đang diễn ra thường xuyên, liên tục. Có nhà máy chưa từng có một ngày được hoạt động đúng công suất, ngay từ khi bắt đầu vận hành đã bắt buộc phải cắt giảm, một số đến 50-60%" - ông Hồ nói.

Tại tọa đàm, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết đang lấy ý kiến hoàn thiện cơ chế cho doanh nghiệp trực tiếp bán điện.

"Tôi đánh giá cao đề xuất này. Về chính sách, cơ chế, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp điện được bán cho các hộ gia đình nhu cầu sử dụng điện lớn, kèm theo biện pháp quản lý, giá điện trực tiếp giữa người mua-bán điện. Qua đó, chúng ta sẽ có được những kinh nghiệm rất tốt để phát triển thị trường điện trong thời gian tới, cùng với cả thị trường điện truyền thống" - ông Vũ Đình Ánh nhận xét trước giải pháp cho mua bán điện trực tiếp.