Chuyên gia đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá mới

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Tại chương trình đối thoại "Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới" , các đại biểu nhấn mạnh cần đưa ra giải pháp quản lý phù hợp cho thuốc lá nung nóng (TLNN) và các sản phẩm thuốc lá mới khác.

Chương trình đối thoại "Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới" trên Truyền hình Quốc hội được phát sóng ngày 24/9. Tại đây, các chuyên gia trao đổi, đề xuất việc quản lý có thể được thực hiện bằng hình thức tem nhãn để chỉ cho phép các sản phẩm đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn của quốc tế và trong nước được phép lưu hành.

Tham dự chương trình, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp - chia sẻ về hướng quản lý thuốc lá mới, TLNN nhằm giải quyết khó khăn của các cơ quan chức năng khi phân biệt giữa sản phẩm hợp pháp và sản phẩm trá hình, biến tướng độc hại.

Ông nêu các sản phẩm thuốc lá được sản xuất trong nước như của Vinataba hay hàng nhập khẩu hiện được kinh doanh hợp pháp tại thị trường Việt Nam đều được Tổng cục Thuế phát hành tem nhãn để quản lý chặt chẽ.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đăng ký về quy mô sản xuất, nguyên vật liệu và số lượng sản phẩm. Tổng cục Thuế sẽ cấp đúng số lượng tem như đã đăng ký để dán trên từng gói thuốc lá. Tem nhãn cũng là cơ sở để đánh thuế các sản phẩm thuốc lá lưu hành trên thị trường.

Chuyên gia đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá mới - 1

Ông Lê Đại Hải (Ảnh: THQH)

Theo đại diện Bộ Tư pháp, nếu đã công nhận TLNN là thuốc lá và xác định những sản phẩm này vẫn đang vào nước ta bằng đường tiểu ngạch, xách tay… thì nên có giải pháp quản lý và kiểm soát tương tự thuốc lá điếu nhập khẩu. Điều này vừa giúp kiểm soát được chất lượng, vừa giúp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, bảo đảm sự minh bạch cho người tiêu dùng.

Ngược lại, loại nào không có tem nhãn thì đó là hàng nhập lậu, không được đánh giá về chất lượng, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ tịch thu, tiêu hủy, việc kiểm soát là không khó khăn.

Nếu là hàng lậu, sản phẩm sẽ được áp dụng biện pháp xử lý phù hợp và việc này, theo chuyên gia, hoàn toàn thuộc năng lực của các bộ ngành. Mặt khác, việc quản lý bằng tem nhãn sẽ giúp cho các cơ quan thực thi không còn lúng túng trước sự đa dạng của những sản phẩm thuốc lá mới.

Bên cạnh đó, kiểm soát các sản phẩm thuốc lá, ngoài Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) còn có Luật Đầu tư. Luật Đầu tư quy định thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thông qua luật này, có thể sửa quy định để đưa TLNN vào quản lý nếu xác định đây là thuốc lá.

Về văn bản, thông lệ quốc tế, định nghĩa từ các cơ quan toàn cầu, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đều nêu rõ: TLNN là thuốc lá. WHO cũng khuyến nghị các nước quản lý mặt hàng này theo luật kiểm soát thuốc lá hiện hành của quốc gia. Theo báo cáo của WHO, hiện 184 trong 195 quốc gia thành viên trên toàn cầu không cấm TLNN.

Tại đối thoại, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, thuốc lá, rượu bia hay nhiều sản phẩm khác đều có những tác động nhất định với sức khỏe con người. Hiện các sản phẩm rượu, bia, thuốc lá điếu hay thậm chí nước ngọt… đều được phân loại vào nhóm hàng không có lợi cho sức khỏe nhưng không phải vì "không quản lý được thì cấm" do nhận thấy sản phẩm không tốt cho sức khỏe.

Nếu xét về năng lực quản lý, các đại biểu cũng cho rằng không lý do gì để khẳng định Việt Nam thiếu năng lực khi có sự tham gia của toàn thể các cơ quan bộ ngành, sự quan tâm của Chính phủ, cũng như kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá truyền thống từ trước đến nay.

Theo đánh giá của bà Liên, hiện có các cơ quan quản lý về thuốc lá, từ xuất nhập khẩu, quản lý thuế, hải quan, đến quản lý thị trường, lực lượng công an chuyên trách, và còn có cả Ban Chỉ đạo quốc gia 389 về phòng chống các tội phạm buôn lậu. "Tôi nghĩ rằng về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu", bà Liên khẳng định.

Chuyên gia đề xuất giải pháp quản lý thuốc lá mới - 2

Bà Nguyễn Quỳnh Liên (Ảnh: THQH).

Tuy nhiên, quan ngại của bà là đến nay vẫn đang thiếu công cụ pháp lý, cụ thể là các cơ quan này cần được biết rõ đâu là đối tượng được quản lý hoặc không phải, cần làm rõ mặt hàng nào được phép nhập khẩu, lưu hành, với những điều kiện cụ thể. Những mặt hàng nào sẽ được đánh thuế, phải qua sự kiểm duyệt chặt chẽ, dán tem mác, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng; mặt hàng nào các cơ quan sẽ xử lý, xử phạt khi bị sử dụng với mục đích hoặc được kinh doanh không phù hợp…

Quan điểm được các chuyên gia đưa ra là cần có cơ chế quản lý phù hợp. Điều này vừa giúp bảo vệ sức khỏe người dân, Nhà nước quản lý hiệu quả, ngăn chặn hàng lậu, đồng thời cũng đảm bảo tính cạnh tranh trong kinh doanh, khuyến khích các ngành hàng phát triển theo hướng tích cực hơn…