Chuyên gia: "Đất nước giàu có mới có thể bắt đầu hạn chế nhiệt điện than"

(Dân trí) - Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, chỉ đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

"Thuỷ điện tới hạn, phải tính tới nhiệt điện than"

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam” diễn ra sáng nay (29/8), TS. Trần Văn Lượng, Cục Kiểm tra an toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác tiềm năng các loại năng lượng khác phục vụ sản xuất điện như thủy điện, điện khí… đã đạt tới hạn.

Theo ông Lương, trong khi đó việc phát triển điện hạt nhân tạm dừng, các loại năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên (số giờ vận hành thấp trung bình 1800 - 2000 giờ/năm), chiếm dụng diện tích lớn (trung bình 1 MW điện mặt trời chiếm mất 1,2-1,5 ha), chi phí cho hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống rất cần có nguồn chạy nền để đáp ứng được ổn định điện phụ tải.

"Do vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và tiêu dùng thì việc phát triển nhiệt điện than cần được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành công nghiệp khác, phát triển nhiệt điện than luôn kèm với những thách thức về bảo vệ môi trường mà chủ yếu do khí thải và tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện than", ông Lượng cho biết.

Việt Nam hiện có 21 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, trong đó 7 nhà máy dùng công nghệ đốt Lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) sử dụng than nội địa chất lượng thấp (cám 6), 14 nhà máy dùng công nghệ than phun (PC) sử dụng than nội địa chất lượng tốt hơn (cám 5), than nhập bitum và á bitum với tổng công suất lắp đặt khoảng 14.310MW.

Theo ông Đoàn Ngọc Dương, Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, về tổng thể có thể thấy hiện tại cũng như trong thời gian tới, các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đều đã, đang và sẽ được áp dụng các thiết bị và công nghệ kiểm soát phải thải khí phù hợp, tiên tiến, có công nghệ an toàn, tin cậy, đã được kiểm chứng, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hiện hành cũng như dự phòng cho khả năng quy định về phát thải chặt chẽ hơn nữa trong tương lai.

"Trở lên giàu có mới nghĩ tới năng lượng tái tạo"?

PGS. TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho biết, xu hướng chung, các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện.

"Đây là thời kỳ phát triển mạnh kinh tế, nhu cầu điện năng rất cao. Trên thế giới, điện năng do nhiệt điện than vẫn là chủ đạo. Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như điện tái tạo và mới bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than", ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, Trung Quốc là nước có tỷ lệ nhiệt điện than rất cao (79%), còn trung bình toàn thế giới là 41,2%. Song là nước sản xuất nhiều điện nhất thế giới nên sản lượng điện do nhiệt điện than của Trung Quốc rất lớn tới 4.600 tỷ kWh (lớn hơn tổng sản lượng điện của nước Mỹ). Thực ra còn nhiều nước khác có tỷ lệ nhiệt điện than rất lớn như Mông Cổ (95,1%), Nam Phi (93,8%), Ba Lan (86,7%), Hồng Kông (71,2%), Úc (68,%), Ấn Độ (67,8%), Israel (59%), Đức (45%), Hàn Quốc 43,2%.

"Tới năm 2015, thủy điện và nhiệt điện khí vẫn chiếm tới 67,5% tổng sản lượng điện quốc gia và sẽ giảm rất nhanh theo nhu cầu tổng sản lượng điện. Nhiệt điện than năm 2015 chỉ có 30,4% tới năm 2020 đã tăng lên 49,3%, năm 2025 tới 55% và 2030 là 53,2%. Sau khi dừng điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều khả năng sẽ được thay thế bằng nhiệt điện than, nghĩa là tới năm 2030 tỷ lệ nhiệt điện than về cơ học có thể tới 59 ~ 60%", ông cho biết thêm.

Theo ông Nghĩa, nhiệt điện đốt than sản sinh ra nhiều chất thải nguy hại song công nghệ xử lý là hiện đại, vốn đầu tư và chi phí vận hành cho các hệ thống xử lý này là rất lớn, nên có thể coi như chúng đã được xử lý khá triệt để trước khi thải ra môi trường.

Trước thông tin Trung Quốc tuyên bố từ nay đến 2025 sẽ đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than, ông Nghĩa cho rằng: "Một điều hiển nhiên là không ai bỏ ra tiền tỷ USD để đầu tư nhà máy nhiệt điện than rồi đóng cửa. Chúng tôi khẳng định rằng các nhà máy điện mà Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ đóng cửa đều là các nhà máy điện hết niên hạn sử dụng".

"Cần lưu ý rằng Trung Quốc có cả nghìn nhà máy nhiệt điện than, việc đóng cửa 103 nhà máy nhiệt điện than đã hết niên hạn sử dụng và có công suất bé là chuyên bình thường. Trung Quốc không hề ngưng nhiệt điện than. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có 16 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, nhưng cũng đã tuyên bố sẽ đóng cửa 1 nhà máy trong số đó", ông nói.

Ông Nghĩa cũng cho rằng: "Hoặc thông tin nói rằng Mỹ tuyên bố đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than mà lại không nói rõ đó là những nhà máy điện còn hay đã hết niên hạn sử dụng (niên hạn của nhà máy nhiệt điện than trung bình là 30 năm). Việc đóng cửa này xảy ra trong bao lâu, trong 1 - 2 năm hay trong vài chục năm? Nếu đóng cửa 165 nhà máy nhiệt điện than và chỉ tính công suất trung bình 1.000.000 kW cho một nhà máy nhiệt điện, nước Mỹ sẽ mất đi 165 triệu kW, vậy thì nước Mỹ đã bù đắp sự thiếu hụt này như thế nào?"

Thông tin về các nước Pháp, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác sẽ đoạn tuyệt với nhiệt điện than, ông Nghĩa cho rằng "là đúng nhưng lại không ghi rõ, nhiệt điên than ở Pháp chỉ chiếm 3,1% tổng sản lượng điện quốc gia, ở Áo chỉ có 11,8% còn ở Phần Lan chỉ có 14%, ở Thụy Điển chỉ có 0,9% thậm chí ở Na Uy chỉ có 0,1%. Việc dẹp bỏ nhiệt điện than ở những nước này gần như không ảnh hưởng đến tổng sản lượng điện quốc gia".

"Tại sao nước Mỹ giàu có như vậy, phát thải khí nhà kính nhiều như vậy nhưng lại không thực thi tuyên bố Rio de Janeiro và công ước Kyoto, vừa mới ký COP 21 này lại tuyên bố rút khỏi? Tại sao Trung Quốc trong suốt cả quá trình phát triển của mình đều phản đối giảm phát thải, còn bây giờ tiêu thụ 1/2 tổng lượng than của thế giới, sản xuất 1/4 tổng lượng điện thế giới mới chịu ký COP 21, tại sao việc đóng cửa 103 nhiệt điện than phải mãi tới 2025 mới thực thi hết? Tại sao Hàn Quốc giàu như thế, sản xuất nhiều điện như thế nhưng điện tái tạo chỉ có 0,6%", ông nhấn mạnh.

Phương Dung