Chuyển đổi số bắt đầu từ những cải tiến nhỏ

Trường Thịnh

(Dân trí) - Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu của rất nhiều doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi số được hiểu là quá trình doanh nghiệp thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng các cải tiến công nghệ, hệ thống quản lý, tiêu chuẩn mới nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Đặc biệt, đối với ngành nhựa, để có thể bắt đầu chiến lược chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể đi từ những bước nhỏ nhất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành nhựa Việt Nam. Sức cạnh tranh kém so với các đối thủ trong khu vực phần lớn đến từ thiết bị công nghệ của nước ta còn nhiều hạn chế như: độ chính xác không cao, tốc độ máy thấp, hiệu quả sản xuất thấp, vận hành và xử lý lỗi máy rất khó khăn, tốn nhiều chi phí bảo dưỡng, bảo trì mô tơ... Do đó việc tìm giải pháp để cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất sản xuất và tiết kiệm năng lượng đang là nhu cầu vô cùng cấp thiết đối với doanh nghiệp ngành nhựa.

Chuyển đổi số bắt đầu từ những cải tiến nhỏ - 1
NTP áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất chất lượng. (Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp)

Tham gia “Dự án áp dụng mô hình tổng thể cải tiến năng suất và chất lượng” của Bộ Công Thương, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên sự cải tiến không ngừng về chất lượng sản phẩm, năng lực sản xuất. Nhờ liên tục cải tiến công nghệ, áp dụng Lean Six Sigma, TPM, 5S…, năng suất lao động của NTP không ngừng được nâng cao; phương tiện, máy móc, thiết bị luôn đạt hiệu quả trên 90%. Đặc biệt, công cụ cải tiến được coi như “chìa khóa” giúp cho NTP nâng cao hiệu quả công việc và sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa.

NTP huy động toàn thể cán bộ, công nhân viên thực hiện 5S từ ngày đầu phát động phong trào và đạt được những kết quả vượt mong đợi như nhà xưởng, lối đi thông thoáng, không có vật cản và đồ vật không cần thiết; các khu vực được phân vùng; dụng cụ, chi tiết, khuôn… được đánh mã số nhận biết từng loại và sắp xếp khoa học. Tất cả khu vực, thiết bị đều được đánh dấu và có hướng dẫn/cảnh báo nếu có nguy cơ gây tai nạn; hệ thống hồ sơ được sắp xếp dễ lấy, dễ tìm; chất thải và rác được phân loại và bỏ đúng nơi quy định…

Ngoài áp dụng 5S, NTP cũng triển khai áp dụng TPM cho các nhà máy sản xuất. Giai đoạn đầu, công ty triển khai thí điểm ở máy ép đùn KMD114 và máy ép phun J3. Thông qua các bước cơ bản như: Xác định nguồn bẩn, điểm khó vệ sinh; xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh thiết bị và tự bảo dưỡng; thực hiện vệ sinh theo tiêu chuẩn, thống kê và phân tích nguyên nhân máy dừng; lập bảng hoạt động TPM và tính OEE (chỉ số hiệu suất tổng thể thiết bị)… Kết quả, các chi tiết, bộ phận máy của 2 thiết bị đã được vệ sinh sạch bụi, chỉ số OEE của các thiết bị đạt trên 50%.

Chuyển đổi số không phải là cuộc chơi về công nghệ, đó là quá trình thay đổi tư duy sáng tạo của lãnh đạo và nhân viên trong doanh nghiệp. Với chuyển đổi số, mọi người trong doanh nghiệp đều thể sáng tạo và một cải tiến nhỏ có thể mang lại giá trị lớn.