Chuyển đổi sang đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trong tương lai
(Dân trí) - Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng để quyết định lựa chọn các nguồn năng lượng đáp ứng được nhu cầu điện ngày càng tăng và thúc đẩy nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.
"Trong một tương lai gần, ngành điện của Việt Nam sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức trong đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Nhu cầu về điện sẽ ngày càng tăng và nguồn nguyên liệu sơ cấp thì ngày càng cạn kiệt dần, đặc biệt là dầu, khí, có thể dẫn đến việc phải nhập khẩu nhiên liệu nhiều hơn nữa. Vì vậy, xu hướng phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới trong đó có điện gió là một giải pháp mang tính đột phá" - TS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm NLTT (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) nhận định.
Tầm nhìn của chính phủ dịch chuyển ra khỏi cơ cấu năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch đã được Nghị quyết 55-NQ/TW chính thức hóa vào năm ngoái. Nghị quyết 55 thiết lập các mục tiêu dài hạn cho quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Tầm nhìn và các mục tiêu của Nghị quyết 55 cần được bổ sung, làm rõ bởi Quy hoạch điện VIII (PDP8). PDP8 đang rất được mong đợi và dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay.
Dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII đưa vào một dạng năng lượng tái tạo mới - điện gió ngoài khơi. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới dự đoán điện gió ngoài khơi có thể đáp ứng từ 5-12% nhu cầu năng lượng của cả nước vào năm 2035, với công suất lắp đặt 11-25 GW.
Hiện tại, chưa có một dự án điện gió ngoài khơi đúng nghĩa được hình thành ở Việt Nam, tuy nhiên, một số dự án quy mô lớn đang bắt đầu được triển khai. Lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn khá sơ khai đồng nghĩa với việc các chính sách vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Do vậy, điều quan trọng là cần đảm bảo các chính sách được thiết kế để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng ổn định, bền vững và để ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi có đủ thời gian phát triển.
Báo cáo "Chuyển đổi sang đấu thầu điện gió ngoài khơi ở Việt Nam trong tương lai - bài học từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế" của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) và Nhóm Tư vấn Năng lượng tái tạo (RCG), đây là một nghiên cứu về cách thức 06 thị trường điện gió ngoài khơi trên thế giới gồm Anh, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan và Đài Loan, đã khởi động ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi của họ như thế nào.
Bản báo cáo đã được công bố ngày 22/7 vừa qua tại hội thảo trực tuyến do GWEC tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia trong ngành và các nhà phát triển điện gió ngoài khơi đang hoạt động tại Việt Nam như: Viện Năng lượng, Copenhagen Offshore Partners (COP), Orsted, và Nhóm Tư vấn Năng lượng tái tạo (RCG).
Bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực Châu Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) chia sẻ ý kiến của mình rằng: "Điện gió ngoài khơi là một ngành phức tạp - có nhiều bài học mà Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ các thị trường khác khi xem xét chính sách cho cơ chế đấu thầu của mình. Một khuyến nghị chính của báo cáo đó là Việt Nam nên thiết lập cơ chế cho ngành điện gió ngoài khơi thông qua biểu giá Feed-in-Tariff (FIT) và sẽ chuyển sang áp dụng quy trình đấu thầu khi công suất của ngành đạt mức 4 đến 5 GW. Việc áp dụng cơ chế đấu thầu sẽ là một công cụ tốt để chính phủ kiểm soát thuế đối với ngành điện gió ngoài khơi chỉ khi ngành này đã hoạt động ổn định."
Nghiên cứu này tập trung vào cách Chính phủ lựa chọn các dự án điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đầu và cách họ quản lý quá trình chuyển đổi từ áp dụng biểu giá điện hỗ trợ (FIT) sang đấu thầu dựa trên giá cạnh tranh. Báo cáo xem xét các đặc điểm và bài học kinh nghiệm từ từng thị trường, đồng thời đưa ra các khuyến nghị về chính sách đấu thầu, thời điểm và quá trình chuyển đổi để thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam thành công.
Báo cáo này đã chỉ ra một xu hướng chính trong các thị trường điện gió ngoài khơi thành công nhất trên thế giới đó là tất cả các quốc gia này đều bắt đầu với việc áp dụng biểu giá FIT trong giai đoạn đầu và chỉ chuyển sang đấu thầu khi ngành điện gió ngoài khơi đã hoạt động ổn định.
Theo đó, báo cáo đã nêu ra khuyến nghị cho Việt Nam như sau: Nên áp dụng biểu giá FIT cho điện gió ngoài khơi để hỗ trợ giai đoạn đầu của các dự án điện gió ngoài khơi thực sự; Biểu giá FIT sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong việc thúc đẩy phát triển dự án, điều này sẽ giúp hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước.
Cùng với đó, việc chuyển đổi sớm sang hình thức đấu thầu sẽ gây áp lực lớn đối với các công ty trong việc cải tiến và cung cấp với chi phí thấp nếu không có nguồn lực và thời gian. Áp lực quá lớn có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư sẽ phải dựa vào chuỗi cung ứng quốc tế đã có kinh nghiệm hơn là khai thác năng lực từ các công ty trong nước.
Việc chuyển đổi sớm sang đấu thầu cũng sẽ cần ít nhất 1-2 năm để chính phủ chuẩn bị cơ chế và hướng dẫn đấu thầu, điều này sẽ làm trì hoãn một cách không cần thiết một loạt các dự án điện gió ngoài khơi giai đoạn đầu và làm chậm việc cung cấp năng lượng cho Việt Nam.
Trước khi đấu thầu được áp dụng, khả năng vay vốn của hợp đồng mua bán điện PPA hiện tại cần được cải thiện để thu hút đầu tư nước ngoài. Khả năng vay vốn của hợp đồng PPA sẽ mang tính quyết định đối với sự phát triển của các dự án điện gió ngoài khơi do quy mô đầu tư lớn.
Đánh giá về tiềm năng điện gió tại Việt Nam, cũng tại buổi hội thảo trực tuyến, bà Maya Malik, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Dự án Điện gió La Gan nhận định: "Việt Nam có các nền tảng tốt và tiềm năng to lớn về điện gió ngoài khơi nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của thị trường này. Sẽ rất khó để chúng tôi tự tin định giá dự án và gửi chào thầu/đấu giá vào thời điểm này."
"Theo quan điểm của chúng tôi, mô hình phù hợp đó là trước tiên bắt đầu với các dự án thí điểm và áp dụng một biểu giá FIT trong giai đoạn đầu để giúp ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi và chính phủ có thời gian giải quyết các vấn đề xung quanh việc cấp phép, cơ sở hạ tầng lưới điện và bến cảng, chuỗi cung ứng và khả năng tài chính của dự án, sau đó chuyển sang cơ chế đấu thầu chỉ khi ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã ổn định hơn" - bà Maya Malik chia sẻ thêm.