Chuyện đại gia Việt không ngán Mỹ

Đầu năm mới đã phải đón những tin xấu từ thị trường quốc tế. Tuy nhiên, đã lường trước điều này, các đại gia Việt đã chủ động chuẩn bị và không ngán những rào cản trên thị trường Mỹ.

Các đại gia thủy sản VN không ngán những rào cản trên thị trường Mỹ.
Các đại gia thủy sản VN không ngán những rào cản trên thị trường Mỹ.
 
Bình tĩnh trước tin xấu

 

Đầu tháng hai, cổ phiếu thủy sản đã có một chuỗi tăng điểm ấn tượng. Chỉ riêng ngày 11/2/2014, toàn bộ 5 cổ phiếu trên HOSE gồm VHC, AGF, HVG, AVF, ANV đều tăng giá, trong đó có mã tăng khá mạnh như VHC tăng hết biên độ từ 24.500 đồng lên 26.200 đồng/cp; HVG và ANV tăng 300 đồng lên tương ứng 26.600 đồng và 9.800 đồng/cp.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Đây là diễn khác ngược chiều trước tin xấu từ việc áp dụng Luật Nông trại Mỹ nhằm hiện thực hóa kế hoạch "bịt cửa" sản phẩm cá basa, cá tra của Việt Nam vào thị trường Mỹ sau khi quốc hội nước này thông qua Dự luật nông trại mới (Farm Bill) trong đó có điều khoản, cá da trơn Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn tương đồng với các nông trại Mỹ từ quy trình sản xuất đến xuất khẩu.

 

Đây là một hàng rào kỹ thuật mới cho phép Bộ Nông nghiệp Mỹ kiểm tra luôn cả vùng nuôi, điều kiện, quá trình sản xuất của các DN thủy sản Việt Nam với những quy định hết sức khó khăn như phải nuôi cá ở ao nông, nước giếng khoan... trái với thực trạng nuôi trong ao đàm, xen lẫn kênh rạch, sông... của người nông dân Việt Nam bất chấp chất lượng sản phẩm đã được đảm bảo theo yêu cầu nhất định từ chính nước này cũng như các khu vực khó tính như châu Âu.

 

Quy định mới, theo nhiều DN, là điều kiện để Mỹ bảo hộ nghề nuôi cá trong nước, một lĩnh vực bị ảnh hưởng khá nhiều, mất phần lớn thị phần khi mà sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam thâm nhập thị trường này trong nhiều năm qua. Nó được ví là "tệ hại" giống như phán quyết hồi tháng 3/2013 của Bộ thương mại Mỹ (DOC) áp dụng thuế chống bán phá giá xuất khẩu cá da trơn Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế hầu hết tăng vài chục lần so với trước đó.

 

Thị trường nước ngoài khó khăn, ở trong nước người nuôi cá tra từ cuối 2013 đã phải treo ao, bán đất, thua lỗ, nợ nần ngày lan rộng. Tuy nhiên, với những diễn biến mới trên TTCK cùng với kết quả khá ấn tượng của các DN thủy sản lớn trong năm 2013 vừa qua, có thể thấy các đại gia trong lĩnh vực này có lẽ đã chủ động trước những biến động trên thị trường Mỹ.

 

Trong năm vừa qua, ông lớn Thủy sản Hùng Vương (HVG) hoạt động khá tốt, trong đợt thưởng Tết Giáp Ngọ vừa qua DN này đã chi trên 100 tỷ đồng cho đội ngũ cán bộ công nhân viên và cũng đã bỏ 120 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt 1 năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 10%.

 

"Đại gia" Vĩnh Hoàn chưa thông báo kết quả cả năm nhưng trong 9 tháng doanh thu tăng trưởng mạnh, lợi nhuận hoàn thành 76% kế hoạch và công bố hàng loạt các kế hoạch đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất Collagen (dự kiến 450 tỷ trong 2 năm 2013-2014); nuôi trồng hàng chục tỷ đồng, trong đó có tăng thêm diện tích cá tra...

 

Cơ hội kiếm tiền vẫn rộng mở

 

Đánh giá về tình hình xuất khẩu thủy sản, đại diện HVG cho biết có tín hiệu tốt hơn. HVG dự kiến doanh số xuất khẩu quý I/2014 sẽ tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, các DN chưa công bố kế hoạch cho năm mới. Tuy nhiên, biến động trên TTCK cho thấy dường như không có nhiều NĐT lo lắng về những diễn biến xấu mới bởi cùng thời kỳ này năm dù có nhiều bất lợi nhưng các DN đều đưa ra các kế hoạch ấn tượng về tăng vốn, mở rộng kinh doanh, tăng kế hoạch lợi nhuận... và thực thi khá tốt mục tiêu đề ra.

 

Bên cạnh đó, doanh số xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ không phải quá lớn, chỉ khoảng 300 triệu USD Mỹ, so với con số 1,8 tỷ USD xuất khẩu sản phẩm này trên toàn thế giới trong năm 2013. Và Hoa Kỳ chỉ là 1 trong 140 quốc gia và vùng lãnh thổ cá tra Việt Nam có mặt.

 

Theo giới chuyên môn, việc áp dụng quy định khắt khe như vậy là cách Mỹ dựng hàng rào kỹ thuật để giảm lượng sản phẩm cá da trơn từ Việt Nam vào Mỹ liên tục tăng mạnh trong nhiều năm qua.

 

Lường trước xu hướng bảo hộ bằng các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính như Âu, Mỹ, Nhật, các DN đã xác định từ lâu là đa dạng thị trường xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm, ở tất cả các khâu. Gần đây, nhiều DN đã chủ động chuyển đổi thị trường, giảm lượng cá tra xuất qua Mỹ sang thị trường khác như châu Á, châu Âu và Trung Đông. Trong khi đó, các DN như HVG, VHC... cũng đang đầu tư cho các vùng nguyên liệu của riêng mình để chủ động và đảm bảo chất lượng.

 

Nhờ đó, nhiều DN thủy sản lớn vẫn vững tiến với doanh thu liên tục tăng mạnh cho dù Mỹ liên tiếp đánh thuế chống bán phá giá và các chiêu trò khác trong các năm qua.

 

Không thể phủ nhận dự luật hỗ trợ cho các nông trại mà Mỹ sẽ ảnh hưởng tới các DN. Nhưng lịch sử đi ra quốc tế của con cá tra Việt Nam đã không ít lần đã lật ngược được thế cờ, khi đánh đúng vào nhu cầu người dân Mỹ.

 

Với Vĩnh Hoàn, cú nâng thuế hồi đầu năm 2013 đã không ảnh hưởng nhiều tới DN này bởi VHC đã kịp thời tăng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ và vẫn được thị trường này chấp nhận.

 

Theo nhiều chuyên gia, việc chuẩn bị thủ tục pháp lý cũng như vận động người tiêu dùng Mỹ, nhà nhập Mỹ... phản đối những thay đỏi quá nhanh, sốc và không là cần thiết. Tuy nhiên, điều quân trọng hơn là các DN cũng đẩy mạnh các giải pháp thay thế khác, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Mỹ cũng như đảm bảo chất lượng và lợi thế của cá tra Việt Nam.

 

Đáng nói hơn, các DN thủy sản cần xem lại sự hợp tác với nhau trong xuất khẩu. Nguyên nhân của hàng loạt các vụ kiện chống bán phá giá ca tra tại Mỹ trước đây hay vụ "bịt đường sống" lần này là mong muốn bảo hộ các nông trại của Mỹ. Nhưng sâu xa hơn, nó xuất phát từ mức giá ngày càng rẻ của thủy sản Việt Nam mà chủ yếu do chính các DN tự hạ giá để cướp khách rồi dìm nhau cùng chết. Rất nhiều các DN thủy sản nhỏ đã phá sản trong thời gian vừa qua. Các DN lớn chứng kiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận đang giảm... Điều này đang cảnh báo ngõ cụt mà các DN đang giăng ra cho chính mình.

 

Theo Mạnh Hà

VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước