Chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways dự kiến cất cánh vào cuối quý 4

(Dân trí) - Chuyến bay thương mại đầu tiên của Bamboo Airways dự kiến sẽ được triển khai vào cuối quý 4/ 2018. Mặc dù lịch trình cất cánh có sự thay đổi so với dự kiến tuy nhiên đại diện hãng bay mới khẳng định, sự điều chỉnh này không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và mạng lưới bay theo định hướng từ trước.


Chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways dự kiến sẽ diễn ra vào quý IV năm nay

Chuyến bay đầu tiên của Bamboo Airways dự kiến sẽ diễn ra vào quý IV năm nay

"Hồ sơ của Bamboo Airways đáp ứng các điều kiện để cấp phép bay"

Theo kế hoạch dự kiến, hãng hàng không Bamboo Airway của Tập đoàn FLC sẽ có chuyến bay thương mại đầu tiên vào hôm nay (ngày 10/10). Tuy nhiên, do thủ tục cấp phép cho hãng này vẫn chưa hoàn thành nên lịch bay có sự thay đổi.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Bamboo Airways theo quy định.

Bộ GTVT nhận định hồ sơ của Công ty Tre Việt đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy và phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm theo quy định theo Nghị định 92, phù hợp với quy định về thương hiệu của hãng hàng không theo Nghị định 30.

Theo quy định tại Nghị định 92 quy định về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ cấp giấy phép cho nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục pháp lý quan trọng nhất đối với một hãng hàng không.

Được biết, phía Bộ GTVT hiện nay vẫn đang chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường, Bamboo Airways là hãng hàng không đầu tiên phải trải qua khâu xin phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thay vì chỉ phải hoàn tất những quy định tại Nghị định 92 về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không như trước kia.

Cũng theo ông Cường, sau khi có được giấy phép bay, để có thể trở thành một hãng hàng không thực sự có khả năng khai thác tàu bay và cung cấp dịch vụ cho công chúng, ngoài giấy phép bay, Bamboo Airways cần phải được cấp Chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC- Aircraft Operator Certificate) cũng như hoàn tất các công việc cụ thể liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh, chất lượng dịch vụ.

“Tuy nhiên, với dự án bay của Bamboo Airways, nhà đầu tư rất quyết tâm, nghiên cứu, tìm hiểu khá kỹ lưỡng về hồ sơ, tài liệu nên ngay khi có được Giấy phép bay họ có thể rút ngắn được thời gian chuẩn bị để có thể nộp hồ sơ xin cấp AOC ngay” – ông Cường nhận định.

Bamboo Airway: Điều chỉnh để thực hiện mục tiêu tối ưu nhất

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airway cho biết, hãng đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không với sự đồng thuận cao của các bộ, ban, ngành có thẩm quyền.

“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để hãng có thể chính thức tham gia vào thị trường hàng không, sau khi chúng tôi đã nhận được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư do Chính phủ công bố hôm 9/7 vừa qua”, ông Thắng nói.

Song song với quá trình này, các công tác thuê mua máy bay, nhân sự, thương mại, khai thác bay, khai thác mặt đất... cũng đã được Bamboo Airways triển khai sâu rộng.

Về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến vào cuối quý IV năm nay cũng đã hoàn tất", ông Đặng Tất Thắng cho biết.

Cũng theo ông Đặng Tất Thắng, việc điều chỉnh lịch cất cánh dự kiến đạt được sự đồng thuận của toàn bộ Ban Lãnh đạo Bamboo Airways với mục tiêu tối ưu chất lượng dịch vụ, tăng cường cá nhân hoá trong công tác chăm sóc khách hàng, mang lại những chuyến bay thoải mái, an toàn, đúng giờ, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng một cách cao nhất.

Việt Nam đang là một trong những thị trường hàng không có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Không chỉ phát triển về số lượng hành khách, số lượng máy bay, thị trường này cũng đang đặt ra những yêu cầu có thể nói là khắt khe nhất trong tất cả các loại hình vận tải cả về an toàn kỹ thuật và chất lượng dịch vụ.

“Với mô hình lai giữa hàng không truyền thống và hàng không giá hợp lý, cùng nhiều dịch vụ độc đáo liên quan tới du lịch, chúng tôi hy vọng sẽ kết hợp ưu điểm của cả hai mô hình nói trên để mang đến những cải tiến mới trong ngành dịch vụ hàng không, hướng tới mục tiêu xây dựng một hãng hàng không tiêu chuẩn 5 sao tại Việt Nam", Tổng Giám đốc Bamboo Airways nhấn mạnh.

Được biết, theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, Tp.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - Tp.HCM, Tp.HCM - Vân Đồn… với mục tiêu giảm áp lực cho cơ sở hạ tầng hàng không tại các thành phố lớn, đồng thời tăng cường liên kết vùng, nâng tầm du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Để phục vụ cho kế hoạch này, từ tháng 3 đến tháng 6/2018, hãng đã ký hai thỏa thuận mua 44 máy bay A321 NEO và 787-9 Dreamliner trị giá 8,8 tỷ USD của hai đối tác quốc tế lớn là Airbus và Boeing.

Trong thời gian chờ bàn giao máy bay mới, Bamboo Airways đã và đang tiến hành thuê khoảng 20 máy bay trong năm 2018 và bổ sung thêm 20-30 chiếc trong năm 2019, để phục vụ các kế hoạch vận hành đã được đặt ra.

A.Phương