Chứng khoán Việt Nam sẽ nằm trong "top" tốt nhất châu Á 2014?
(Dân trí) - Theo nhận định của BIDV, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng duy trì vị trí là một trong thị trường tốt nhất khu vực Châu Á trong năm 2014 với dự báo VN-Index có thể đạt 510-530 điểm.
Tại báo cáo vĩ mô vừa phát hành, Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, mặc dù xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi chưa sớm dừng lại khi các khó khăn của thế giới, đặc biệt là vấn đề Mỹ, Châu Âu và suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên đà khởi sắc của thị trường chứng khoán Việt nam tiếp tục được kỳ vọng.
Theo BIDV, sự phục hồi sản xuất, chuyển biến sức cầu, tăng PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) trong bối cảnh ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất, rủi ro giảm, CDS (hợp đồng hoán đổi nợ xấu) giảm... sẽ góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư năm tới.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Cùng với đó, tiến triển tích cực của đàm phán TPP và việc xem xét tăng tỷ lệ sở hữu cho khối ngoại, tiến độ xử lý nợ xấu được VAMC thúc đẩy, kết quả kinh doanh quý IV cải thiện cũng sẽ là yếu tố làm động lực kích thích thanh khoản tăng dần.
Hơn nữa, mức P/E (hệ số giá trên thu nhập một cổ phần) của cổ phiếu Việt Nam nhìn chung đang hấp dẫn so với khu vực góp phần giữ chân dòng vốn cũng như khích lệ dòng vốn nội.
Nhờ những động lực đó, theo BIDV, thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng duy trì vị trí là một trong thị trường tốt nhất khu vực Châu Á trong năm 2014 với dự báo VN-Index có thể đạt 510-530 điểm.
Cũng trong báo cáo này, BIDV lưu ý rằng, trong tháng 9/2013, Chính phủ đã ra Nghị quyết về tăng cường thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, thông qua việc thay đổi một loạt các quy định. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, niềm tin của nhà đầu tư tăng trở lại.
Dự báo năm 2014, FDI đăng ký sẽ tăng với mức trên 18 tỷ USD và vốn giải ngân đạt 10,5-11 tỷ USD.
Còn về ODA, với những cam kết của EU về nâng cao mức ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020 và Thụy Sỹ tăng 50% vốn ODA của Việt nam giai đoạn 2013-2016, dự báo từ 2014 lượng vốn ODA vào Việt nam sẽ tăng ở mức khoảng 10-15% so với năm 2013.
Cùng với đó, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 11 tỷ USD 2013, tăng khoảng 10% năm 2014 đồng thời có sự chuyển dịch tích cực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thay vì đổ vào thị trường bất động sản.
Với các nguồn FDI, ODA, kiều hối tăng trưởng tốt, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn cho tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần đưa cán cân tổng thể thặng dư đồng thời bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.