1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chứng khoán tuột dốc: Vì sao vẫn hấp dẫn?

Đến ngày 26/3, VN Index và HaSTC-Index đã giảm 5 phiên liên tiếp, dự báo về một đợt điều chỉnh giảm xem ra đang trở thành hiện thực nhưng hiện tượng bán tháo CP rời sàn vẫn chưa xảy ra. Thậm chí có nơi, nhiều nhà đầu tư đang chờ giá giảm thêm để "ôm" vào...

Từ văn phòng cho tới quán cà phê vỉa hè, đề tài CK luôn là được quan tâm hàng đầu. Người dân biết đầu tư gì khi bất động sản chỉ nóng lên ở một số nơi và chỉ có các căn hộ hàng tỷ may ra mới có khả năng sinh lợi nhưng mức lời khó vượt con số 15-20% nếu đầu tư dưới 6 tháng. Thị trường tài chính ư ?

Bài học từ buôn tiền qua mạng với Golden Rock, buôn vàng với Vietsec mất trắng hay lỗ hàng chục ngàn USD vẫn chưa hết vị đắng. Còn buôn vàng với các ngân hàng hay chờ thị trường lên xuống kiếm lời thì vốn nhiều lời ít mà rủi nhiều hơn may.

Sản xuất, kinh doanh gì trong thời buổi này cũng khó mà kiếm lời với tỷ lệ trên 15%. Quan trọng hơn cả là chơi các thứ trên sẽ tốn nhiều thời gian hơn hẳn ngồi nhà, trong văn phòng  ra lệnh mua bán cổ phiếu (CP), nếu có ra sàn thì cũng chỉ mất vài tiếng mà nhàn nhã chân tay như không. Khi các loại CP của ngành ngân hàng, FPT, doanh nghiệp địa ốc… vừa lên sàn đã lời đến 70-80% so với 20 ngày trước thì khó ai mà cưỡng nổi.

Dù nhận định TTCK Việt Nam  đang quá nóng và chứa đựng nhiều rủi ro nhưng các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng Việt Nam có nền kinh tế phát triển tốt, nền chính trị ổn định, hệ thống pháp lý đang được hoàn thiện dần.

Chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn như VCB, Mobifone, EVN... đang rất hấp dẫn và là cơ  hội lớn đối với nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Theo ông Don Lam, Tổng GĐ Vina Capital: “Vừa qua các quỹ đầu tư nước ngoài từ thị trường New York, châu Âu, Nhật Bản đã đổ vốn vào thị trường Việt Nam.

Gần đây còn có luồng tiền mới từ Đài Loan - nơi có nguồn dự trữ ngoại tệ đứng hàng đầu thế giới”. Họ đầu tư vào Việt Nam không chỉ chờ giá cổ phiếu tăng lên bán ra kiếm lời mà họ còn chờ chương trình cổ phần hóa của Chính phủ Việt Nam, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2010.

Vì vậy, các chuyên gia tài chính nhận định nhu cầu đầu tư của các NĐT nước ngoài trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Không phải ngẫu nhiên mà đến nay đã có hơn 30 tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài đang “quay vòng” gần 5 tỷ USD (gấp đôi thời điểm cuối năm 2006) trên TTCK VN. Nếu TTCK VN chỉ toàn những “điềm xấu” thì họ vào làm gì?

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tuyên bố: “Không sợ TTCK phát triển nóng, không có ý định ngăn chặn và kiểm soát nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư gián tiếp mà chỉ tìm cách hỗ trợ, kiểm soát về mặt luật để đảm bảo luồng vốn này ngày càng có cơ sở vững chắc và giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng”.

Với quan điểm ấy, những cảnh báo quá mức, dự đoán quá bi quan xem ra còn nguy hiểm với TTCK hơn là những phân tích kỹ càng, đúng mực, có định hướng để các nhà đầu tư đỡ hoang mang.

Điều cần thiết nhất bây giờ là UBCKNN và các cơ quan liên quan cần nhanh chóng hiện thức hoá những điều khoản của Luật Chứng khoán đã có hiệu lực từ 1/1/2007 để mọi việc  đi vào khuôn khổ.

Thời gian qua, HoSTC, HaSTC và cả UBCKNN luôn chạy theo sau thị trường và đã có lúc dấu hiệu “ đuối sức” hay theo không kịp đã bộc lộ. Các nhà quản lý lo lắng cho nhà đầu tư nhưng nhiều nhà đầu tư đang lo ngược lại. Các cảnh báo không thực tế trong khi đầu tư vào chứng khoán vẫn còn nhiều yếu tố thuận lợi như hiện nay, sức hấp dẫn của thị trường này vẫn còn.

Điều cần thiết nhất bây giờ là các cơ quan quản lý đưa ra  thông tin về những thuận lợi, khó khăn, may, rủi... và dẹp bỏ dần những nghi ngại về thông tin, giao dịch không minh bạch, thiếu công bằng đủ sức thuyết phục để nhà đầu tư tự điều chỉnh và thị trường phát triển lành mạnh.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong