Chứng khoán toàn cầu suy giảm

(Dân trí) - Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên của tháng 8, hầu hết thị trường chứng khoán ở châu Âu và châu Á giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại diễn biến tiêu cực trên thị trường nhà đất Mỹ có thể gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế toàn cầu.

Tại Anh, chỉ số FTSE 100 giảm 1,72% xuống còn 6.250,60 điểm; trong khi ở Pháp, chỉ số CAC 40 giảm 1,68% xuống còn 5.654,3 điểm; ở Đức, chỉ số Dax mất 1,45% xuống còn 7.473,93 điểm.

 

Chỉ số DJ Euro Stoxx 50 của khu vực châu Âu giảm 1,82% xuống còn 4.237,05 điểm. Tỷ giá đồng euro so với đôla Mỹ là 1 euro = 1,3679 USD.

 

Trong khi đó, tỷ giá Yên/USD đạt mức cao nhất trong vòng 4 tháng, và giá dầu tại New York tăng gần chạm mức 80 USD/thùng.

 

Mặc dù đa số các báo cáo đều cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp của khu vực châu Á trong thời gian tới vẫn khả quan, nhưng các nhà đầu tư đang có dấu hiệu thu hẹp quy mô đầu tư ở châu Á và một số thị trường mới nổi khác.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8, chỉ số Nikkei-225 của thị trường Nhật Bản giảm hơn 2%, lần đầu tiên đóng cửa ở mức dưới 17.000 điểm trong vòng 4 tháng qua, xóa sạch mọi nỗ lực lên điểm của thị trường từ đầu năm đến nay.

 

Chỉ số chứng khoán trên thị trường Hồng Kông, Ấn Độ, Trung Quốc đại lục và Australia cũng giảm hơn 3%. Một trong những nơi chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất là Hàn Quốc, khi chỉ số chuẩn của thị trường giảm 4%.

 

Nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến thất thường của thị trường chứng khoán toàn thế giới trong thời gian gần đây là tình trạng bất ổn của thị trường bất động sản Mỹ. Bên cạnh đó là việc tổ chức đánh tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's cho biết họ đang cân nhắc khả năng giảm thứ hạng tín nhiệm của nhiều quỹ đầu tư chứng khoán hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay thế chấp.

 

Đánh giá lạc quan nhất về diễn biến thị trường hiện nay là ý kiến cho rằng đây là một đợt điều chỉnh bình thường và tất yếu của thị trường châu Á. Các đợt sụt giảm tương tự, một vào giữa năm ngoái và một vào đầu năm nay, cụ thể là tháng 2, đã cho thấy đây chỉ là đợt điều chỉnh ngắn và không có gì đáng lo ngại.

 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế đang có những động thái tỏ rõ sự lo lắng và thận trọng. Theo số liệu của tập đoàn tài chính Nomura, từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu mà các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào ở châu Á là hơn 27 tỷ USD, trong khi giá trị bán ra trong vòng nửa tháng qua là gần 5 tỷ  USD.

 

Giới phân tích cho rằng phản ứng của thị trường chứng khoán châu Á đang đặt ra một số câu hỏi lớn về bản chất tăng trưởng kinh tế của khu vực và căn nguyên diễn biến sôi động của  thị trường chứng khoán. Phản ứng tức thời của thị trường châu Á sau những biến động của thị trường nhà đất Mỹ đã làm nóng lên cuộc tranh luận giữa các nhà kinh tế ở châu Á về việc liệu có phải sự khởi sắc của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ quá phụ thuộc vào Mỹ.

 

Câu trả lời sẽ có trong vài năm tới.

 

Bản báo cáo hồi đầu năm nay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có vẻ như đã dội một gáo nước lạnh vào những hy vọng về việc châu Á có thể sẽ không còn phải lo lắng nhiều trước biến động của kinh tế Mỹ và hai nền kinh tế lớn khác là Nhật Bản và châu Á. Báo cáo này cho rằng hoạt động thương mại sôi động giữa các nước châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc, chủ yếu vẫn dựa vào các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà đối tượng phục vụ cuối cùng vẫn là người tiêu dùng Mỹ.

 

Nguồn tư bản dồi dào đã giúp nhiều nước đang phát triển giảm hoặc xóa các khoán nợ nước ngoài và có kinh phí trang trải cho các chương trình cải tổ quy mô lớn. Tuy nhiên giờ đó là một con dao hai lưỡi đối với những nước phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu như Thái Lan, Philippines, và New Zealand, vì luồng vốn lớn chảy vào khiến đồng nội tệ tăng giá, dẫn đến việc giá hàng xuất khẩu cũng tăng cao, làm giảm doanh thu của doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, việc đồng nội tệ tăng giá còn kéo theo sức ép lạm phát.

 

Đặng Lê

Theo AFP, IHT